Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg |
Kế hoạch “30-30-30-30” là gì?
Reuters cho hay, trong một cuộc gặp với các Bộ trưởng Quốc phòng khối liên minh ngày hôm nay (7/6) tại Brussles (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ tìm kiếm một thỏa thuận quy mô cho kế hoạch trên, đặt nền móng cho sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7.
Theo kế hoạch “30-30-30-30”, NATO cần phải có 30 tiểu đoàn trên bộ, 30 phi đội bay chiến đấu và 30 tàu hải quân như các tàu khu trục, sẵn sàng triển khai trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được cảnh báo. Tuy nhiên, thông tin tiết lộ không đưa ra quân số cụ thể đối với các đơn vị trong kế hoạch hoặc thời hạn để thiết lập và hoàn thiện chiến lược. Điều này sẽ đặt ra thách thức cho các chính phủ ở châu Âu, các nước thường bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chê trách vì cắt giảm chi tiêu quân sự sau Chiến tranh Lạnh.
“Đối thủ của chúng ta (Nga) có thể di chuyển nhanh chóng vào các nước Baltic và Ba Lan trong một cuộc tấn công trên bộ. Chúng ta không có nhiều thời gian để huy động lực lượng”, một nhà ngoại giao cấp cao NATO nói về kế hoạch của Washington.
Còn một quan chức Mỹ khác cho biết, mục tiêu chủ yếu của sáng kiến là đối phó với Nga và nó phù hợp với Chiến lược Quốc phòng 2018 của Lầu Năm Góc, trong đó cáo buộc Moscow đang tìm cách “phá hoại NATO”. Theo quan chức này, việc sáp nhập bán đảo Crimea của Nga năm 2014 và sự can thiệp của Moscow vào cuộc chiến Syria năm 2015 đã khiến Mỹ không tin vào các thông điệp của Điện Kremlin và muốn sẵn sàng cho bất kỳ hành động quân sự nào.
Cụ thể, “Trò chơi chiến tranh” Zapad 2017 - cuộc tập trận với 100.000 quân của Nga và Belarus đã khiến phương Tây phải nín thở khi những kẻ thù giả định mà Nga nêu ra dường như ám chỉ đó chính là NATO. Đây cũng là lần phô diễn sức mạnh quân sự Nga lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Về phần mình, Điện Kremlin kiên quyết từ chối bất kỳ mục tiêu nào như vậy và nói NATO là mối đe dọa an ninh ở Đông Âu. “Ý tưởng này (kế hoạch của Mỹ về xây dựng đội hình quy mô mới cho NATO), cái mà tôi hy vọng nó sẽ không xảy ra, sẽ chỉ làm tăng căng thẳng đối với tình hình ngày càng nhạy cảm của châu Âu”, phái viên Nga tại Liên minh châu Âu, Vladimir Chizhov nói với các phóng viên khi được hỏi về đề xuất này.
Huy động binh sĩ từ đâu?
Với hơn 2 triệu binh sỹ, các lực lượng NATO đông hơn nhiều so với Nga - vốn chỉ có khoảng 830.000 quân nhân đang làm nhiệm vụ, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại Anh.
Việc Crimea sáp nhập vào Nga đã khiến các nước NATO phải thiết lập một lực lượng “mũi nhọn” phản ứng nhanh và lập 4 tiểu đoàn ở các nước Baltic và Ba Lan với sự hậu thuẫn và luân chuyển quân đội cũng như vũ khí từ Mỹ. Tuy nhiên, không rõ lực lượng này có thể phản ứng nhanh chừng nào và được duy trì trong bao lâu khi Pháp đang rải quân ở châu Phi còn Anh thì muốn giảm quy mô lực lượng triển khai tại nước ngoài.
Theo một nghiên cứu của Rand Corporation năm 2016, Anh, Pháp và Đức có thể xây dựng một lữ đoàn gồm từ 3 tiểu đoàn trở lên cùng với các xe tăng chiến đấu và khí tài khác trong vòng 1 tháng. Nhưng, nguồn lực cho nhóm này rất eo hẹp, khó có thể ứng phó được bất kỳ cuộc xung đột nào khác.
Một vấn đề khác của kế hoạch “30-30-30-30” là làm sao để nó khớp với các sáng kiến khác nhằm cải thiện sự sẵn sàng chiến đấu của châu Âu và giải quyết những hạn chế về vũ khí và các thiết bị quân sự khác.
Tháng 12/2017, EU đã thành lập một khối phòng thủ để phát triển các lực lượng phản ứng khủng hoảng và hợp tác để phát triển các máy bay trực thăng và tàu mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn đặt mục tiêu thiết lập một “lực lượng can thiệp” mới do Pháp dẫn đầu.
Thế nhưng, châu Âu “chỉ có một lượng binh sĩ nhất định và họ không thể cam kết với mọi đề xuất quân sự được”, một quan chức ngoại giao cấp cao khác của NATO nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận