Thế giới

Mỹ, Trung Quốc chuẩn bi đối thoại cấp chiến lược

07/11/2018, 07:35

Đối thoại ngoại giao và an ninh cấp cao Mỹ - Trung Quốc lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Washington...

25

Cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh cấp cao Mỹ - Trung Quốc lần thứ 1 năm 2017

Tổ chức tại Washington thay vì Bắc Kinh

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ cùng các đối tác Trung Quốc gồm Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tiến hành một vòng đàm phán ngoại giao và an ninh cấp cao.

Cuộc đàm phán ở cấp chiến lược lần này, tiếp nối vòng đối thoại đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2017, vốn dự định được tổ chức vào tháng 10 tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, kế hoạch này bị trì hoãn theo yêu cầu của Washington và trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước đối với các vấn đề về thương mại, địa chính trị.

Washington và Bắc Kinh đã rơi vào một cuộc đối đầu thương mại căng thẳng trước những động thái của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt điều nước Mỹ cho là “quan hệ thương mại không công bằng của Trung Quốc với Hoa Kỳ”.

Căng thẳng tiếp tục leo thang sang nhiều vấn đề khác, như việc ông Trump thúc đẩy hỗ trợ quân sự cho đảo Đài Loan, cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ hay tìm cách hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ mang tính cốt lõi của Mỹ.

Nhưng cuối tuần trước, Tổng thống Trump đã thể hiện lập trường mềm dẻo hơn với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và sau đó tuyên bố rằng ông mong đợi cuộc chiến thương mại hai bên sẽ kết thúc bằng “một thỏa thuận rất tốt đẹp”. Nhưng, ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo rằng, Hoa Kỳ sẽ áp đặt thêm thuế quan trị giá hàng tỷ USD nếu đàm phán thất bại.

Cuộc thương thảo sắp tới của Trung Quốc và Mỹ sẽ là tiền đề cho một cuộc họp được đề xuất giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng này.

Trung Quốc đã sẵn sàng nhượng bộ?

“Bắc Kinh đã sẵn sàng thảo luận với Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề kinh tế và thương mại giữa hai nước”, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người cộng sự thân cận nhất của ông Tập Cận Bình tuyên bố ngày 6/11 tại Singapore.

Trong khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới do Bloomberg tổ chức, ông Vương khẳng định mong muốn mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại với Mỹ của Bắc Kinh, cũng như việc phải thúc đẩy một đề xuất có lợi cho cả hai bên.

Dù vậy, ông Vương đã phản đối chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” của Washington. Đồng thời, quan chức Trung Quốc đã đề cao tầm nhìn về toàn cầu hóa, theo sau bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 5/11 ở Thượng Hải, trong một nỗ lực khác của Bắc Kinh để dập tắt sự hoài nghi toàn cầu đối với quyết tâm cải cách kinh tế.

Ông Vương nhấn mạnh, Bắc Kinh và Washington cần hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề đang phải đối mặt. Bởi, sự tiêu cực, tức giận, hay các rào cản, tranh chấp sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự hỗn loạn của thị trường toàn cầu.

Thậm chí, Phó chủ tịch Trung Quốc còn viện dẫn tới giai đoạn lịch sử Bắc Kinh bị áp bức bởi các nước đế quốc, để kêu gọi người Trung Quốc cần phải giữ “bình tĩnh và tỉnh táo”.

Các nhà phân tích cho rằng, vòng đối thoại sắp tới giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là một sự kiện đáng chờ đợi, trong bối cảnh Trung Quốc đang sử dụng các ngôn từ mềm mỏng hơn khi nhắc tới cuộc chiến thương mại với Mỹ, cũng như không đề cập trực tiếp tới Tổng thống Trump trong các phát ngôn chỉ trích.

Ông Wei Zongyou, giáo sư nghiên cứu quốc tế Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải nói với tờ SCMP rằng, “thông điệp mà cả hai nhà lãnh đạo Trung Quốc tại các sự kiện lớn trong nước và quốc tế là một tín hiệu rõ ràng cho thế giới thấy quyết tâm mở cửa để thúc đẩy sự phát triển thương mại tự do toàn cầu của Bắc Kinh”.

Trong khi đó, cũng tại Diễn đàn Kinh tế mới, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định, Bắc Kinh và Washington phải xác định rõ những ranh giới đỏ để tránh xung đột.

Dù cho rằng sự tăng trưởng liên tục của cường quốc châu Á sẽ khiến Washington và Bắc Kinh dễ bị “giẫm chân” lên nhau, nhưng ông Kissinger thể hiện sự lạc quan về mối quan hệ song phương này.

Vị cựu quan chức Mỹ khẳng định, thách thức ở đây là duy trì một mối quan hệ hợp tác dù có những khác biệt trong cách tiếp cận của hai quốc gia. Do vậy, vấn đề có thể được giải quyết nếu mỗi bên đều rõ ràng về những nhượng bộ mà họ sẵn sàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.