Thế giới

Mỹ, Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng tại "đấu trường Thái Lan"

04/12/2019, 07:27

Mối quan hệ Mỹ - Thái Lan đang ngày càng suy yếu và hình thành nên trục quan hệ tay ba giữa Mỹ - Thái Lan - Trung Quốc.

img
Quân đội Mỹ và quân đội Thái Lan

Thái Lan từng là đồng minh thân cận của Mỹ tại Đông Nam Á và cũng là đối tác ruột trong các hợp đồng mua bán vũ khí. Tuy nhiên, mối quan hệ này đang ngày càng suy yếu và hình thành nên trục quan hệ tay ba giữa Mỹ - Thái Lan - Trung Quốc khi Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng và hoạt động thương mại tại châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung.

Những hợp đồng vũ khí béo bở

Điều này thể hiện rõ qua sự kiện gần đây khi cùng một ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ký hai thỏa thuận liên quan tới quân sự với cả Mỹ và Trung Quốc. Thủ tướng Thái Lan chứng kiến cam kết được ký với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, trong đó ông Esper ca ngợi đồng minh cũ đã có động thái tích cực tại thời điểm châu Á đang chịu “sự cưỡng ép và đe doạ từ bên ngoài”, ám chỉ rõ ràng hướng về phía Trung Quốc.

Chưa đầy một giờ sau, Thủ tướng Prayut, nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội Thái Lan lại ký một thoả thuận hợp tác đầy tiềm năng với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, đồng thời cam kết ủng hộ các chính sách quan trọng của Bắc Kinh như Sáng kiến Vành đai và Con đường với mục đích đầu tư hạ tầng trên toàn cầu.

Dù cả hai cam kết, Thái Lan đều không thể hiện chắc chắn điều gì nhưng động thái cân bằng giữa cả Mỹ và Trung Quốc của Thủ tướng Prayut cho thấy, mức độ Trung Quốc xâm nhập vào một quốc gia vốn có những quan hệ quân sự sâu sắc với Mỹ từ hàng thập kỷ trước đã rộng tới mức nào.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan được gây dựng từ thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush như một “đồng minh quan trọng phi NATO” vào năm 2003. Thời điểm đó, Thái Lan đóng vai trò như sân sau quan trọng trong cuộc chiến Mỹ xâm lược Việt Nam. Quan hệ Mỹ - Thái suy yếu sau khi Thái Lan trải qua đảo chính quân sự năm 2014 và luật pháp Mỹ hạn chế quan hệ quốc phòng cho đến khi nền dân chủ Thái Lan được khôi phục.

Lúc đó, Trung Quốc nhanh chân lấp chỗ trống, tăng cường tập trận quân sự và ký 10 thoả thuận vũ khí quan trọng bao gồm thương vụ mua bán quốc phòng lớn nhất của Thái Lan, đó là 3 tàu ngầm điện - diesel cùng 48 xe tăng chiến đấu trị giá 1,03 tỉ USD, theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm.

Tiếp đó, sau cuộc bầu cử Thái Lan vào tháng 3 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng quay trở lại khu vực họ từng bỏ ngỏ. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ca ngợi Thái Lan “đã phục hồi dân chủ” trong chuyến thăm Thủ đô Bangkok hồi tháng 8 trong khi Bộ Ngoại giao thúc đẩy chiến lược xuất khẩu vũ khí mang tên “Mua sản phẩm sản xuất từ Mỹ”.

Nữ phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok, bà Jillian Bonnardeaux nói: “Không giống như quy trình quyết định mua bán tại Bắc Kinh hay Moscow, hoạt động mua bán quốc phòng lớn của chúng tôi được thực hiện thông qua một loạt chính sách rõ ràng, minh bạch có sự đồng thuận của cộng đồng”.

Bà còn nói thêm rằng: “Các chương trình hỗ trợ và mua bán vũ khí từ các đối thủ như Trung Quốc hiếm khi đạt được khả năng như họ đã quảng cáo, thay vào đó đẩy người mua vào cảnh nợ nần bên cạnh những hệ thống vũ khí không hiệu quả”.

“Cuối cùng, việc thiết lập lại quan hệ Mỹ - Thái đồng nghĩa Bangkok đưa mình vào vị trí trung tâm cuộc chiến tranh giành địa chính trị chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á”, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á Paul Chambers, từng có nhiều bài viết về dân chủ và cải tổ an ninh cho biết.

Cùng mở rộng ảnh hưởng quân sự

img
Hải quân Hoàng gia Thái Lan trong một sự kiện tại Trại Chulabhorn

Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng sang các cuộc tập trận quân sự trong nhiều năm gần đây. Thái Lan tiếp tục tổ chức tập trận “Hổ mang vàng” do Mỹ hậu thuẫn - cuộc tập trận quân sự lớn nhất tại châu Á thu hút 29 quốc gia tham gia bao gồm 4.500 nhân sự Mỹ và hàng chục nhân sự từ Trung Quốc.

Cùng lúc, Thái Lan cũng tăng cường tham gia nhiều cuộc tập trận kết hợp với Trung Quốc hơn tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác - ông Ian Storey, nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết.

Bên lề một cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng khu vực Đông Nam Á tổ chức tại Bangkok hồi tháng trước, Tổng giám đốc Chính sách và Kế hoạch thuộc Bộ Quốc phòng Thái Lan Raksak Rojphimphunnhận định rằng: “Chúng tôi muốn tạo ra sự cân bằng vì không thể chọn bên nào và phải thân thiện, hữu nghị với tất cả các nước. Chúng tôi chỉ là một nước nhỏ”.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stokholm (SIPRI), doanh số vũ khí truyền thống của Trung Quốc đã tăng từ 644 triệu USD trong năm 2008 lên 1,04 tỉ USD vào năm 2018.

Tuy nhiên, tổng giá trị thương mại vẫn còn thua Mỹ. Xuất khẩu của nước này trung bình hơn 9 tỉ USD/năm trong 10 năm qua. Riêng năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu 10,5 tỉ USD vũ khí cho quân đội nước ngoài. Đối với Thái Lan, chi tiêu quốc phòng thường niên được cấp khoảng 7,7 tỉ USD và Trung Quốc có thể cung cấp các vũ khí thay thế rẻ hơn so với vũ khí của Mỹ.

Là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới, Trung Quốc chủ yếu bán cho các nước láng giềng, châu Á chiếm 75% tổng doanh thu trong đó Pakistan, Bangladesh và Myanmar là khách hàng lớn nhất.

Hiện nay, Đông Nam Á đang là thị trường phát triển về quốc phòng trong đó các nước đang tăng cường chi tiền vào vũ khí và nhu cầu cần phải phản ứng với các nước láng giềng cao hơn - ông Siemon Wezeman, nghiên cứu cấp cao của chương trình chi tiêu vũ khí và quân sự của SIPRI cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.