Dư âm Shangri-La dự kiến sẽ còn vang vọng sang Đối thoại Mỹ-Trung |
Đối thoại Mỹ - Trung 2016 diễn ra tại Trung Quốc, dự kiến thu hút hàng trăm quan chức đến từ Mỹ và Trung Quốc đến từ các bộ, ban ngành khác nhau. Dẫn đầu đoàn Mỹ là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jack Lew. Về phía Trung Quốc, Uỷ viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương dẫn đầu đoàn.
Ngay từ khi được tổ chức lần đầu tiên do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng, đối thoại này nhắm tới mục đích tìm ra những điểm chung giữa hai nước trong bối cảnh hai cường quốc thế giới đang đối đầu về nhiều vấn đề bao gồm vấn đề biển, an ninh mạng và một số vấn đề kinh tế.
Tại đối thoại lần này, hai nước tiếp tục giải quyết những căng thẳng mới và còn tồn động trong vấn đề Biển Đông. Dự kiến, hai cường quốc lớn sẽ tiếp tục có những cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh vấn đề này tại Đối thoại Mỹ - Trung trong bối cảnh Toà trọng tài Quốc tế (PCA) chuẩn bị ra phán quyết về Biển Đông cũng như dư âm của những cuộc “đấu khẩu” tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (Shangri-La 2016) vẫn chưa nguôi.
Trước đó, tại Shangri-La (Singapore), Trung Quốc và Mỹ liên tiếp “đấu khẩu” xung quanh vấn đề căng thẳng trên Biển Đông. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang “xây Vạn lý Trường Thành tự cô lập” khi cố tình leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Từ Mongolia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng “dằn mặt” Trung Quốc về khả năng nước này thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông như đã từng làm trên biển Hoa Đông năm 2013.
Về phía mình, Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Trưởng đoàn Trung Quốc ngang ngược nói: “Chúng tôi không phải bên gây ra rắc rối và chúng tôi không sợ rắc rối. Chúng tôi không cho phép bất cứ xâm phạm nào đối với chủ quyền quốc gia cũng như các lợi ích an ninh đất nước. Chính sách của chúng tôi ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) sẽ không thay đổi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận