Ngành chủ lực gặp khó
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc một số khách hàng Mỹ và EU đưa ra thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn khi vừa mới "dễ thở" sau khi có nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho biết các ngành công nghiệp nặng như thép, ôtô… đang giảm sâu do nguồn cầu giảm mạnh. Công nghiệp thực phẩm như ngành bia sản lượng chỉ đạt 60% so với cùng kỳ cũng xét cả yếu tố tác động bởi Nghị định 100 trong nước và việc khó xuất khẩu.
Theo ông Hoài, sau khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng tại Mỹ và EU, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… cũng đang dần chịu ảnh hưởng. Đáng chú ý, ngành dệt may và da giày từ khoảng giữa tháng 3 đã phần nào cải thiện được nguồn cung về nguyên phụ liệu thì nay phải đối mặt với khó khăn về đầu ra và còn kéo dài nếu như tình hình dịch bệnh không cải thiện.
“Hiện, nhiều doanh nghiệp cho biết phía Mỹ và EU đã yêu cầu hoãn và dừng đơn hàng trong tháng 4 và 5; Đơn hàng tháng 6 tạm thời chưa đàm phán nên rất khó khăn”, ông Hoài nói.
Ông Hoài nhận định: Khó khăn hiện nay có thể ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày bởi 70% sản lượng của ngành này xuất sang Mỹ và EU với sản lượng gần 50 tỷ USD đối với ngành dệt may, 20 tỷ USD ngành da dày. Trong khi tiêu dùng nội địa dệt may, da giày chỉ đạt khoảng 5-7 tỷ USD/năm...
Tương tự, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, khoảng 2-3 ngày gần đây, các doanh nghiệp trong nước liên tục nhận được đề nghị giãn, lùi tiến độ giao hàng từ các đối tác Mỹ và EU. Mặt khác doanh nghiêp bày tỏ thực trạng đã đưa hàng ra cảng mà chưa thể xuất đi nên phải chịu chi phí lưu thông kho bãi đắt đỏ khi chưa biết phải đợi đến bao giờ và mong muốn có chính sách hỗ trợ.
Doanh nghiệp xăng dầu đề nghị hỗ trợ
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước báo cáo, không những ngành công nghiệp gặp khó mà thời gian này, ngành xăng dầu đang đối diện với nhiều thách thức khi giá xăng dầu liên tục giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng giảm 20-25%. Hơn nữa, với doanh nghiệp nhập khẩu thì đang tồn kho khoảng 40%. Từ thực tế đó, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ, giảm thiệt hại, nhưng vẫn phải đáp ứng đầu đủ nguồn cung trong nước.
Theo ông Đông, Bộ Công thương đã nhận được văn bản xin hỗ trợ của Hiệp hội Xăng dầu và các DN xăng dầu đầu mối vì gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết DN xăng dầu mong muốn ngân hàng hỗ trợ giãn nợ trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu liên tục lỗ suốt thời gian qua.
Trao đổi về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, về lĩnh vực công nghiệp, trong thời gian tới cần tiếp tục bám sát diễn biến trên thị trường để đánh giá những tác động đối với sản xuất công nghiệp trong nước và chuỗi sản xuất công nghiệp để đề xuất và thực hiện giải pháp tháo gỡ, chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như thị trường đầu ra cho doanh nghiệp.
“Các biện pháp ứng phó nhằm tới 3 nhóm nội dung bao gồm: Kiểm tra kiểm soát tốt thị trường, bảo đảm ổn định cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ chống dịch cho người dân. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, việc tổ chức nguồn cung khẩu trang phục vụ người dân theo tiêu chuẩn của ngành y tế là cấp thiết. Ngoài ra, cần đảm bảo điều tiết xuất nhập khẩu giải quyết khó khăn vướng mắc cho thị trường và doanh nghiệp”, ông Hưng nói.
Đối với lĩnh vực dầu khí, yêu cầu ngành dầu khí phải tập trung vào viêc xây dựng ngay giải pháp tài chính đầu tư tổng thể của PVN, bao gồm cả kế hoạch huy động nguồn vốn để ứng phó của biến động xấu nhất của giá dầu năm 2020. Bên cạnh đó, xây dụng hạng mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào sự biến động giá dầu.
Ngoài ra, không đầu tư tràn lan, tập trung nguồn vốn cho những dự án đầu tư có hiệu quả thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tập trung đầu tư công nghệ mới để tái cơ cấu các loại sản phẩm nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị gia tăng cao...
Đặc biệt, rà soát nghiệp vụ về thăm dò, thẩm lượng, công tác phát triển mỏ mới đảm bảo gia tăng để đưa vào khai thác, đón đầu khi giá dầu tăng trở lại...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận