Sản xuất vũ khí tốc lực
CNN dẫn thông tin tình báo của NATO ước tính Nga có thể sản xuất khoảng 250.000 viên đạn pháo mỗi tháng tức khoảng 3 triệu viên đạn pháo trong một năm. Trong khi đó, số đạn pháo mà Mỹ và EU có thể chuyển cho Ukraine mỗi năm chỉ vào khoảng 1,2 triệu viên.
Một quan chức cấp cao của lục quân Mỹ tuần trước cho biết, quân đội Mỹ đặt mục tiêu sản xuất khoảng 100.0000 viên đạn pháo vào cuối năm 2025.
Con số này chưa bằng một nửa sản lượng của Nga nhưng chi phí cho việc sản xuất này đã vượt xa con số 60 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đệ trình lên Quốc hội để hỗ trợ cho Ukraine và cho đến nay vẫn đang bị nghẽn ở Hạ viện.
“Chúng ta đang trong cuộc chiến về sản xuất. Kết cục cuộc chiến tại Ukraine sẽ phụ thuộc rất nhiều vào trang bị của mỗi bên”, một quan chức cấp cao của NATO chia sẻ với CNN.
Theo một nguồn tin tình báo của châu Âu, Nga đang bắn khoảng 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày trong khi phía Ukraine chỉ bắn khoảng 2.000 quả. Sự chênh lệch còn lớn hơn rất nhiều ở khu vực mặt trận kéo dài 100km giữa hai bên.
Tình trạng thiếu hụt đạn pháo đang trở nên trầm trọng nhất đối với Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Số tiền mà Mỹ đổ vào Ukraine đã gần như cạn kiệt và phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã thành công trong việc ngăn chặn Chính phủ Mỹ tiếp tục cung cấp thêm tiền cho Ukraine.
Trong khi đó, việc Nga gần đây chiếm được thành phố Avdiivka của Ukraine được coi là đã mang lại ưu thế đáng kể cho nước này trên chiến trường trong bối cảnh Ukraine không chỉ vật lộn với tình trạng thiếu hụt đạn dược mà cả con người.
Mỹ và đồng minh đã cung cấp cho Ukraine một số hệ thống vũ khí cực kỳ hiện đại bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực M-1 Abrams và sắp tới là tiêm kích F-16. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cho rằng, thành bại trong cuộc chiến này phụ thuộc rất nhiều vào việc bên nào bắn nhiều đạn pháo hơn.
“Vấn đề hàng đầu mà chúng tôi nhận thấy hiện nay chính là vũ khí đạn dược cụ thể là các loại đạn pháo bởi đó chính là khía cạnh mà Nga đang có lợi thế đáng kể trong việc sản xuất và đưa ra chiến trường”, một quan chức NATO nhận định.
Những nhà máy sản xuất đạn pháo của Nga đang chạy 24/7 và chia thành 2 ca mỗi ca 12h một ngày. Khoảng 3,5 triệu người dân Nga đang làm trong lĩnh vực quốc phòng, tăng lên đáng kể so với con số từ 2-2,5 người trước chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ngoài ra, CNN cho biết Nga cũng nhập khẩu đạn pháo từ Iran với con số ít nhất là 300.000 viên vào năm ngoái. Triều Tiên cung cấp ít nhất 6.000 container chở hàng triệu viên đạn pháo cho Nga. Tuy nhiên, cả Nga cùng các quốc gia này đều bác bỏ thông tin.
Một yếu tố cũng rất đáng cân nhắc chính là việc Nga gần đây thường xuyên sử dụng những loại vũ khí tầm xa tấn công vào các mục tiêu sản xuất quốc phòng của Ukraine.
“Nếu chúng ta nói về những gì diễn ra vào mùa thu năm ngoái, chúng ta có thể nói về cách họ tấn công những cơ sở hạ tầng quan trọng. Nhưng giờ chúng ta nhận thấy họ cũng vẫn nhắm đến các mục tiêu là cơ sở hạ tầng nhưng lại chủ yếu là các mục tiêu là cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine”, một quan chức NATO nói.
Dù trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga có khoảng vài nghìn tên lửa tầm xa trong kho vũ khí của mình, con số này hiện nay chỉ còn khoảng 700.
Số tên lửa đó gần đây được Nga chủ yếu sử dụng để phóng hàng loạt nhằm triệt tiêu hệ thống phòng thủ tên lửa của Ukraine và họ cũng đã bù đắp cho số tên lửa đó bằng việc tăng cường sử dụng máy bay không người lái với tần suất tăng gấp 4 lần mỗi tháng so với mùa đông năm ngoái.
Châu Âu - Mỹ có thể lật ngược tình thế?
Theo CNN, Mỹ chỉ có thể đuổi kịp Nga nếu như Tổng thống Joe Biden kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng trong đó trao quyền cho Tổng thống ra lệnh cho các công ty đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị để ủng hộ nền quốc phòng của quốc gia.
Giới chức Mỹ và châu Âu cho biết, số lượng đạn vũ khí mà Nga tăng cường sản xuất vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nước này. Đồng thời tình báo phương Tây cũng cho rằng, Nga khó có thể chiếm ưu thế hoàn toàn trên chiến trường trong ngắn hạn.
Nga cũng đang gặp giới hạn trong năng lực sản xuất và các nhà máy của Nga có thể đạt ngưỡng công suất cao nhất vào năm tới. Dù vậy, năng lực sản xuất của Nga vẫn vượt xa những gì Mỹ và châu Âu có thể cung cấp cho Ukraine đặc biệt nếu Mỹ không cung cấp thêm tiền tài trợ cho Ukraine.
Các quốc gia châu Âu cũng đang tìm cách lấp khoảng cách này. Một công ty quốc phòng của Đức tháng trước đã công bố kế hoạch mở một nhà máy sản xuất đạn dược tại Ukraine có khả năng sản xuất hàng trăm nghìn viên đạn 155mm mỗi năm. Chính công ty này tại Đức cũng đã tiến hành khởi công xây dựng một nhà máy có khả năng sản xuất 200.000 viên đạn pháo mỗi năm.
Bên cạnh đó, giới chức Mỹ và phương Tây vẫn luôn khẳng định dù Nga có khả năng đẩy mạnh dây chuyền sản xuất vũ khí của mình nhờ những ưu thế về hình thái quản lý kinh tế, các quốc gia châu Âu cuối cùng cũng sẽ bắt kịp và sản xuất những trang thiết bị quân sự tốt hơn.
Thế khó cho cả hai bên
Có lẽ một trong những thách thức lớn nhất của Nga chính là việc sản xuất xe tăng và xe bọc thép. Nga có thể cung cấp ra chiến trường 125 xe tăng/tháng nhưng đa số là các mẫu tăng đã lỗi thời được tân trang lại. Cụ thể, 86% xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga tung ra năm 2023 là những mẫu được tân trang.
Và dù Nga vẫn còn tới 5.000 xe tăng trong kho “nhiều khả năng phần lớn trong số này không thể tân trang mà chỉ có thể tận dụng từng bộ phận riêng rẽ”. Tính đến nay Nga đã mất ít nhất 2.700 chiếc xe tăng, nhiều gấp đôi so với số xe tăng ban đầu mà họ triển khai trong chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine hồi tháng 2/2022.
Giới chức phương Tây hiện vẫn theo dõi sát sao nền kinh tế Nga để tìm ra những dấu hiệu cho thấy cách thức Tổng thống Putin nỗ lực bảo vệ nền kinh tế của nước trong khi vừa phải đổ tiền cho ngành công nghiệp quốc phòng, vừa căng mình chống chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây để dồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine.
Quan chức NATO nhận định cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế Nga từ một nền kinh tế mà dầu mỏ luôn có vị thế đứng đầu sang một nền kinh tế mà quốc phòng trở thành ưu tiên hàng đầu và tiền từ dầu mỏ được dùng để đầu tư vào đó. Cũng theo vị quan chức nói trên, điều này sẽ gây ra sự mất cân bằng trong dài hạn đối với nền kinh tế Nga. Dẫu vậy, hiện tại mọi thứ vẫn ổn.
“Trong ngắn hạn, khoảng 18 tháng, mọi thứ sẽ không quá phức tạp nhưng nền kinh tế này đòi hỏi sự bền vững” - quan chức NATO nói.
Trong bối cảnh đó, Lầu năm góc đang cân nhắc có nên tiếp tục dồn nguồn lực cuối cùng mà họ có cho Ukraine bất chấp việc trước đó họ rất ngần ngại làm điều này mà không có sự bảo đảm được giải ngân từ Quốc hội Mỹ. Điều này là bởi việc không có kế hoạch mua sắm lại những trang thiết bị đã trao đi sẽ gây tổn hại không nhỏ đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.
“Nếu không có thêm tài trợ của Mỹ, liệu người dân Ukraine có thay cách thức họ nhận thấy về khả năng phải đàm phán?”, một nguồn tin thân cận với giới tình báo phương Tây đặt câu hỏi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận