Những dòng sông băng hùng vĩ, núi non và vịnh hẹp hiểm trở làm nên phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cho Na Uy nhưng cũng tạo ra những thử thách khó nhằn cho hoạt động vận tải, đi lại.
Mới đây, để cắt giảm thời gian hành trình cho quãng đường dài 1.100km từ TP Kristiansand và Trondheim qua bờ biển phía Tây, Chính phủ Na Uy đã thực hiện đại kế hoạch hạ tầng trị giá 40 tỉ USD.
Dự án này bao gồm xây cầu và đường hầm bằng đá dài nhất, sâu nhất thế giới, được khoan qua thềm đá dưới đáy biển với độ sâu 392m và dài 27km. Phần công trình tham vọng nhất của kế hoạch này đó là xây các đường hầm ngầm cách mặt nước 30m.
Nếu thành công, Na Uy sẽ chiến thắng cuộc đua “ngầm” trên toàn cầu về thực hiện các dự án hạ tầng vĩ mô như Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy. Cơ quan Đường bộ công cộng Na Uy (NPRA), đơn vị chịu trách nhiệm dự án dự định hoàn thành việc xây dựng vào năm 2050.
Trước đây, hành trình giữa hai thành phố Kristiansand và Trondheim đòi hỏi phải qua 7 lần phà, kéo dài trong 21 giờ. Tuyến đường này nằm trong tuyến E39 được đánh giá là tuyến đường huyết mạch của Na Uy.
Vì địa hình tại đây có những vịnh hẹp sâu hơn 1 km hoặc rộng hơn 5km nên các kỹ sư cho rằng việc đào quá sâu xuống đáy biển để xây đường hầm hoặc đặt nền móng cho cầu treo là không thể, do đó họ chọn phương án đường hầm nổi.
Để thực hiện công trình này sẽ có 3 cầu treo và 5 cầu nổi được xây dựng. Còn đường hầm sẽ được cố định bằng các dây cáp neo vào đáy biển hoặc cột vào cầu nổi. Đường hầm được xây dựng bằng bê tông nên sẽ có chức năng như các đường hầm truyền thống, các phương tiện vận tải có thể đi từ vịnh hẹp này qua vịnh hẹp khác.
Đường hầm nổi sẽ hạn chế tác động đối với phong cảnh tự nhiên vì phần lớn hạ tầng đều nằm dưới nước. Nó cũng tạo ra ít tiếng ồn hơn hình thức vận tải qua cầu. Nhưng dự án này đặt ra rất nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ cháy nổ, quá tải vì vậy đơn vị thi công cần thực hiện thêm nhiều cuộc thử nghiệm mở rộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận