Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền |
ĐB Phạm Tất Thắng (Long An) cho rằng, con số 11 nghìn tỷ vừa được Quốc hội chấp thuận để tăng lương cho một số đối tượng vào năm 2015 vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản là đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người lao động và đề nghị bộ trưởng có giải pháp để “làm mát hơn cuộc sống của người thu nhập thấp”.
Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, tiền lương hiện mới đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu và con số 11 nghìn tỷ đồng nâng lương tới đây cũng chưa thể giải quyết thỏa đáng vấn đề tiền lương. “Lẽ ra theo lộ trình, 2015-2016 phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do kinh tế, ngân sách khó khăn, nên T.Ư đã thảo luận và thống nhất trước mắt giãn lộ trình tiền lương”, Bộ trưởng LĐ,TB&XH nói.
Theo bộ trưởng, năm nay cũng do khả năng ngân sách, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã nêu vấn đề này nhưng nếu tăng, khả năng không có nguồn. Tuy nhiên, khi đã quyết định lương tối thiểu của doanh nghiệp khu vực I là 3,1 triệu đồng vào 1/1/2015, trong khi lương của CBCNVC vẫn chỉ có 1.150.000 đồng. Vì vậy, dù rất khó khăn nhưng qua thảo luận về ngân sách, QH đã quyết định dành 11 nghìn tỷ đồng để giải quyết một phần tiền lương cho những người có mức lương thấp và đối tượng người có công, người nghỉ hưu. Theo bà Chuyền, đây là quyết định nhân văn, nhưng thực chất mới chỉ là một giải pháp chứ chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương.
“Trước đây, trung bình mỗi năm có một lần tăng lương tối thiểu, bình quân ở mức 15-20%. Tuy nhiên, năm 2014, 2015, lương tối thiểu không tăng và với tình hình này cũng chưa biết năm 2016 có khả quan hơn không”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.
Tiến Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận