Thông tin Bộ GD&ĐT đề nghị các trường ĐH – CĐ tuyển sinh theo khối thi truyền thống (A, B, C, D…) dựa trên kết quả của kỳ thi Quốc gia đã khiến các thí sinh chuẩn bị thi ĐH – CĐ năm 2015 thở phào nhẹ nhõm.
Học sinh thở phào khi được biết việc xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 không quá nhiều xáo trộn |
“Đảo chiều” tuyển sinh theo khối
Trước đây, Bộ GD&ĐT chủ trương bỏ việc tuyển sinh vào ĐH – CĐ năm 2015 theo khối khá cứng nhắc lâu nay sang tuyển sinh theo môn. Việc chọn môn do các trường ĐH – CĐ tự quyết nhằm giúp các trường có thể tuyển được các thí sinh phù hợp với đặc thù đào tạo của ngành học và của trường. Việc các trường có thể đảo lộn môn xét tuyển so với những năm trước khiến nhiều học sinh lớp 12 lo lắng, bởi ngay từ đầu cấp THPT, các em đã được ôn luyện, tập trung vào học những môn theo khối thi mình đã chọn.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ GD&ĐT lại có công văn đề nghị các trường xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm vừa qua để xét tuyển. Điều này có nghĩa, những năm trước ngành đào tạo đó, trường đó đã thi tuyển ĐH, CĐ những môn thi nào thì năm nay vẫn tiếp tục dùng kết quả những môn thi đó tại kỳ thi quốc gia chung để xét tuyển.
Từ ngày 23 đến 26/9, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức liên tiếp chuỗi ba hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 tại ba địa điểm TP Hà Nội, TP Huế và TP Hồ Chí Minh, tập hợp đầy đủ các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, phía Nam. |
Lý giải về sự “đảo chiều” này, theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, năm 2015 là năm đầu tiên triển khai một kỳ thi quốc gia với cả 2 vai trò công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ sau hơn 10 năm thực hiện “ba chung”. Do đó để không gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh, Bộ quyết định các trường vẫn phải duy trì các tổ hợp môn theo khối thi truyền thống để xét tuyển.
Ông Nghĩa cho biết thêm, theo quy định của Bộ, đối với ngành năng khiếu, trường sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển. Đối với các ngành còn lại, trường sử dụng kết quả thi của tối thiểu ba môn thi, trong đó có môn Toán hoặc (và) Ngữ văn để xét tuyển nhằm đảm bảo đủ cơ sở để đánh giá năng lực của thí sinh”.
Học sinh thở phào
Em Nguyễn Tiến Minh (lớp 12, trường THPT Việt Đức) đặt mục tiêu thi vào ĐH Y ngay từ năm bước chân vào THPT. Chính vì vậy, hai năm qua, các môn học của khối B (Toán – Hóa - Sinh) được em đầu tư, chú trọng hơn cả. “Thời gian qua, thông tin tuyển sinh liên tục thay đổi, em lo quá. May giờ vẫn xét tuyển theo khối, em sẽ yên tâm học hơn”.
Em Hoàng Thái Thủy Tiên (sinh viên ĐH Lao động xã hội) chia sẻ, kỳ thi vừa rồi em trượt ĐH Báo chí tuyên truyền nhưng vẫn quyết tâm thi lại. “Nếu vẫn trường không xét tuyển theo khối thi truyền thống, em sẽ phải ôn thi lại. Còn nếu lại xét tuyển theo khối thi truyền thống, em chỉ cần củng cố lại kiến thức”, Thủy Tiên phấn khởi cho hay.
“Nếu Bộ GD&ĐT có quy định mới, hoặc các trường có lựa chọn các môn khác nằm ngoài các môn theo khối thi truyền thống thì nên có thông báo sớm và theo lộ trình áp dụng vào 3 năm sau năm 2015; để lứa học sinh bắt đầu vào THPT có điều kiện thích ứng và đáp ứng được đúng yêu cầu”, em Phương Thảo (lớp 12, trường THPT Chu Văn An) đề xuất.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình- Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, việc Bộ GD&ĐT đề nghị các trường giữ nguyên xét tuyển theo khối thi cũ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh, để có em yên tâm giành thời gian cho học tập. Do đây là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi Quốc gia, việc hạn chế sự thay đổi quá bất ngờ trong tuyển sinh ĐH – CĐ là điều cần thiết.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận