Tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế |
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh do Bộ Y tế vừa tổ chức. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, bộ đang điều chỉnh giá dịch vụ y tế để tiến tới không còn tồn tại 2 loại giá trong một bệnh viện (BV) như hiện nay.
Với lần điều chỉnh vào năm 2012, giá dịch vụ y tế hiện nay được tính vào 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải và duy tu, bảo dưỡng tài sản. Theo lộ trình, ngay năm nay, liên Bộ Y tế - Tài chính tiếp tục điều chỉnh viện phí, trong đó cộng thêm yếu tố tiền lương cho nhân viên y tế. Đến năm 2018, viện phí sẽ tính thêm chi phí quản lý và năm 2020 tính theo giá thị trường.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo giá thị trường là phù hợp bởi hiện ở nhiều cơ sở y tế đang tồn tại cả giá dịch vụ công và giá dịch vụ y tế được quy định từ các hoạt động xã hội hóa. Trong đó, giá dịch vụ y tế từ các hoạt động xã hội hóa tính cao hơn do tính thêm các phần tiền lương, phụ cấp cho nhân viên, tiền khấu hao trang thiết bị y tế… Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo cơ chế giá thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh, buộc cả BV công và tư đều phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Theo ông Liên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ không có tác động đến người nghèo. “Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với các mạng và thân nhân của người có công với cách mạng trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh đã được bảo hiểm chi trả 100% chi phí nên sẽ không bị ảnh hưởng. Đối với người cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế và hiện nay có đến 40% số hộ cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới sẽ tác động mạnh đến nhóm người chưa có thẻ BHYT (khoảng 27 triệu, chiếm 30% dân số). Theo ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, nhóm đối tượng này nếu chẳng may bị bệnh nặng hoặc mắc bệnh mãn tính sẽ rất khó khăn trong việc tự chi trả. Nói cách khác, nếu muốn giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh thì không còn cách nào khác, họ phải tham gia BHYT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận