Kiến nghị áp dụng tài sản đảm bảo như các ngành khác
Theo đó, đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng, ngân hàng không nên xếp những dự án đã đầy đủ cơ sở pháp lý vào diện rủi ro. Việc xếp hệ số rủi ro cao 200% đối với các dự án này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và khách hàng.
Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức
Về tài sản đảm bảo, vị này cho rằng tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường khiến chủ đầu tư phải tăng thêm tài sản đảm bảo (TSĐB) khác.
Do đó, vị đại diện Vingroup kiến nghị: “Nên xem xét dự án nào có pháp lý đầy đủ thì đánh TSĐB tương tự như các ngành nghề khác. Rủi ro hay không là tuỳ vào từng dự án, từng doanh nghiệp".
Cũng tại hội nghị, đại diện Hưng Thịnh Land đề xuất được gia hạn nợ, hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo phục vụ sản xuất kinh doanh. Vị đại điện doanh nghiệp này lý giải, hiện nay, các trái chủ lo sợ, đặt ra các câu hỏi về sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp bất động sản.
Do đó, vị này đề xuất, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới lỏng room. Cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn nợ, hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo phục vụ sản xuất kinh doanh.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu DN. Tập trung tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS cả phía chủ đầu tư và người mua nhà.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng việc nhảy nhóm nợ khiến các doanh nghiệp bất động sản không thể vay được tín dụng. Do đó, nếu Ngân hàng nới lỏng đối với nợ nhóm 2-3 mà dự án có khả thi thì nên giải ngân cho doanh nghiệp. Nếu muốn các khoản nợ không nhảy nhóm thì chỉ có cách cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Ông Lê Hoàng Châu cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét một gói tín dụng tương tự như gói 30.000 tỷ đồng. Gói tín dụng 30.000 tỷ là giải quyết được rất nhiều, hơn 46 nghìn người tiếp cận được nhà ở qua gói này. Cái hay của gói tín dụng này là không phân biệt NOXH hay nhà ở thương mại.
“Chúng ta giải quyết được đầu ra cho sản phẩm thì tạo được thanh khoản. Các doanh nghiệp hiện nay không có thanh khoản, có doanh nghiệp giảm 50% lương, sa thải 70-80% nhân viên", ông Châu nói.
Tập trung ưu tiên tín dụng cho nhà giá rẻ
Đáp lời các kiến nghị trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, gói 30.000 tỷ chỉ có thể đáp ứng trong hoàn cảnh “rất đặc biệt, chúng ta không lạm dụng việc đó”.
Theo ông Tú, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng 14-15%. Việc room tín dụng cho bất động sản là câu chuyện nội bộ của các ngân hàng thương mại.
Viện dẫn số liệu cho vay năm 2022, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, năm 2023 Ngân hàng này sẽ có những chính sách thay đổi phù hợp với thực tế, lựa chọn các doanh nghiệp bất động sản có uy tín để cho vay. Đi đầu trong danh sách được viện dẫn là doanh nghiệp du lịch. Tiếp đến là lĩnh vực văn phòng, TTTM.
Đối với BĐS nhà ở, Vietcombank chia làm hai đối tượng: Đơn vị phát triển dự án uy tín, tài chính minh bạch, được áp dụng các chính sách lãi suất hợp lý. Đối với cá nhân mua nhà ở, sẽ tập trung ưu tiên đồng thời thận trọng hơn đối với phân khúc giá trị cao.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp và hiệp hội, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) lại khuyên “Các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu", Phó Tổng giám đốc Vietinbank nói. Ngoài ra còn nhiều ý kiến khác.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhưng 70% vướng mắc của thị trường là ở tính pháp lý, bên cạnh đó là tín dụng.
Vướng mắc liên quan đến tín dụng tập trung chủ yếu tại: mục đích vay vốn; hệ số rủi ro áp dụng cao hơn đối với các dự án; vướng mắc về room tín dụng; vướng mắc về giá trị tài sản đảm bảo; về room tín dụng; lãi suất;…
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong muốn các DN chia sẻ với ngành ngân hàng. Ngành ngân hàng còn phải cân đối nhiều mục tiêu mà cũng vì mục tiêu chung của nền kinh tế chứ không phải vì mục tiêu của ngành ngân hàng...
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2023 sẽ tiếp tục sử dụng công cụ kiểm soát room tín dụng, đảm bảo tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế nhưng vẫn phải an toàn hệ thống ngân hàng.
Điểm sáng duy nhất trong tín dụng được khẳng định đó là: "Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến nhà ở cho công nhân, nhà ở giá rẻ, NOXH, mong rằng bản thân các DN tích cực tham gia phân khúc này. Bản thân NHNN cũng sẽ ưu tiên tín dụng cho phân khúc này", Bà Hồng nói.
Trước đó Báo Giao thông đã đưa tin, hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị, gặp gỡ các doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến tín dụng bất động sản. Hội nghị được diễn ra tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Tại đây, nhiều kiến nghị đã được đưa ra nhằm gỡ khó cho thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận