Đô thị

Năm 2025: Thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội có khả thi?

29/10/2021, 06:30

Tiêu chí nào để lập 87 trạm thu phí? Vì sao đề xuất thu phí từ 5h00- 21h00, trong khi chỉ những giờ cao điểm nguy cơ ùn tắc cao mới nên thu phí?

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến phương án lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô do Sở GTVT Hà Nội và đơn vị tư vấn Trung tâm tư vấn phát triển GTVT (Trường Đại học GTVT) vừa xây dựng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, cần cân nhắc thời điểm thu phí...

img

Theo các chuyên gia, khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, việc thực hiện thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2025 rất khó khả thi (Trong ảnh: Ùn tắc trên đường Trường Chinh, Hà Nội trong giờ cao điểm). Ảnh: Tạ Hải

Căn cứ lập 87 trạm thu phí

Theo phương án của đơn vị tư vấn, các vị trí lập trạm thu phí hầu hết ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường Vành đai 3 đã được khép kín.

Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành.

Theo Đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030, Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Hiện phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội đã tăng lên 6.400.000, trong đó ô tô là 60.000 chiếc, xe máy là 5.600.000 xe. Số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%.


Tư vấn cũng đề xuất khung giờ thu phí hàng ngày từ 5h00 - 21h00, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm sáng từ 6h00 - 9h00, chiều từ 16h00 - 19h30 theo quy định để khuyến khích chủ phương tiện và người dân hạn chế các chuyến đi không cần thiết.

Về các giai đoạn lập trạm thu phí, tư vấn đưa ra 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2021 - 2025) sẽ thí điểm, xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn; Giai đoạn 2 (từ năm 2025 - 2030) đầu tư xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí phía Nam sông Hồng. Giai đoạn hoàn chỉnh (sau năm 2030) đầu tư xây dựng 13 trạm thu phí tại 13 vị trí để khép kín hoàn toàn vành đai thu phí.

Tổng mức đầu tư cho 87 trạm thu phí, tại 68 vị trí khoảng 2.600 tỷ đồng, chưa tính chi phí vận hành khai thác.

Hình thức đầu tư do ngân sách thành phố đầu tư và hình thức đối tác công tư. Công nghệ thu phí được dự kiến là công nghệ thu phí không dừng, kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID.

Đón nhận thông tin trên, dư luận đặc biệt quan tâm vì việc thu phí sẽ tác động tới hàng chục triệu người.

Trong đó, không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn, chẳng hạn như: Tiêu chí nào để lập 87 trạm thu phí? Vì sao đề xuất thu phí từ 5h00 - 21h00, trong khi chỉ những giờ cao điểm nguy cơ ùn tắc cao mới nên thu phí? Nếu lái xe né các trạm thu phí, đi các tuyến đường khác gây ra những điểm ùn tắc mới thì xử lý thế nào?...

Tất cả những vấn đề trên đã được PV Báo Giao thông gửi tới lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, Trung tâm tư vấn phát triển GTVT (Trường Đại học GTVT), tuy nhiên chúng tôi chưa có câu trả lời, với lý do “đề án mới đang là đề xuất, vẫn chưa được TP Hà Nội phê duyệt”.

Vận tải công cộng chưa đáp ứng

Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, việc thu phí vào nội đô là giải pháp kinh tế để kéo giảm ùn tắc, phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, để thu phí thì cần đi kèm với các điều kiện. Trước hết, phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ý thức của người dân, nếu đi trước một bước, không thành công sẽ gây tốn kém.

“Đề án trên chỉ nên thực hiện khi các phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được ít nhất 50% nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, tỷ lệ này của Hà Nội mới chỉ đạt hơn 10%, người dân buộc phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Nếu chỉ tiêu phương tiện công cộng chưa đạt được mà đã đặt ra việc thu phí liệu có khả thi không?”, ông Liên đặt vấn đề.

Cũng theo ông Liên, Hà Nội khó đáp ứng được các điều kiện trên vào năm 2025. Rất có thể đề án này phải tới năm 2030 mới thực hiện thí điểm.

“Phải có thời gian để có sự đồng thuận của người dân, khi trình độ dân trí và điều kiện kinh tế của người dân được nâng lên việc áp dụng mới phù hợp”, ông Liên bày tỏ.

Ông Trần Huy Ánh, Hội kiến trúc sư VN cũng cho rằng, việc thu phí cần được tính toán, kiểm soát kỹ lưỡng. Nếu không làm đến nơi đến chốn, dù Hà Nội có đầu tư hàng nghìn tỷ để lập các trạm thu phí xong vẫn không giải quyết được bài toán ùn tắc nội đô.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, với đô thị lớn như Hà Nội, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cải thiện tình trạng giao thông là rất cần thiết.

Chủ trương thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, với Hà Nội còn khá sớm để đánh giá nên hay không áp dụng phương án này, bởi chưa có các tính toán thuyết phục.

“Hà Nội muốn triển khai thu phí vào nội đô trước hết cần đánh giá tác động, tính toán tốc độ tăng phương tiện và những thiệt hại, ảnh hưởng mà người dân gặp phải. Nếu chứng minh được lợi ích vượt trội của việc thu phí mới nên triển khai”, ông Minh nói.

Dẫn kinh nghiệm hai thành phố ở Anh, ông Minh cho hay, London áp dụng thu phí vào nội đô giúp cải thiện giao thông đô thị, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Manchester cũng từng lập đề án thu phí, chính quyền đánh giá tác động rồi quyết định không thực hiện do lợi ích không đủ lớn.

“Giải pháp nào cũng có ưu, nhược điểm. Do đó, chính quyền cần dựa trên dữ liệu cụ thể để xem xét”, ông Minh nói thêm.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, tính đến năm 2021, Hà Nội mới chỉ có hơn 120 tuyến buýt, một tuyến BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã) và hai tuyến đường sắt đô thị vẫn chưa đi vào khai thác. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới chỉ đạt trên 10%.

“Theo đề án, chỉ vài năm nữa Hà Nội sẽ thu phí vào nội đô nhưng đến thời điểm hiện tại những ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng để kiểm soát được phương tiện cá nhân thì chúng tôi chưa thấy. Ví dụ đường ưu tiên cho xe buýt được đề xuất từ năm 2016 nhưng đến nay chưa được thành phố chấp thuận thực hiện”, ông Thông nói và cho rằng, nếu vận tải công cộng phục vụ tốt nhu cầu của người dân thì không cần cấm xe cá nhân, không cần thu phí vào nội đô.

Theo đơn vị tư vấn, dự kiến giờ cao điểm mức thu phí vào nội đô sẽ là 50.000 đồng/lượt đối với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đối với ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại. Việc thu phí sẽ giúp lưu lượng giao thông trên các trục đường chính giảm từ 8 - 30%, trung bình khoảng 12 - 18%.

Các phương tiện được giảm phí gồm xe ô tô kinh doanh vận tải (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe tải các loại), xe ô tô dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực sẽ được miễn phí một số lượt nhất định, ngoài số đó sẽ phải trả phí bình thường.

Đối tượng miễn phí là xe ưu tiên theo quy định hiện hành bao gồm: Xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội, xe công vụ, xe buýt công cộng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.