Sáng nay 7/8, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận và cấp cứu cho bệnh nhân Phạm Mạnh C, 42 tuổi, (trú tại Hàm Yên Tuyên Quang), vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn 4mm, mất phản xạ ánh sáng, mạch và huyết áp không đo được…
BS. Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Ngay khi bệnh nhân vào khoa, kíp cấp cứu đã khẩn trương tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng ôxy 100%, sử dụng Adrenaline truyền tĩnh mạch, đặt ống nội khí quản và cho thở máy ngay. Đồng thời sử dụng các thuốc giãn phế quản và an thần, sau gần 20 phút nỗ lực cấp cứu tích cực, tim bệnh nhân đã đập trở lại, có huyết áp và có nhịp tự thở…Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tiếp tục được điều trị tích cực và chăm sóc đặc biệt tại Khoa Cấp cứu.
Theo gia đình, bệnh nhân có tiền sử hen phế quản ác tính nhiều năm, hôm nay, đột ngột khó thở dữ dội, sau đó tím tái nhanh, gọi hỏi nhưng không trả lời nên được bạn đưa đi cấp cứu.
Theo khuyến cáo của BS. Việt, bệnh Hen phế quản còn gọi là hen suyễn hay bệnh suyễn (Asthma) là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản thuộc hệ hô hấp trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào.
Biểu hiện là phản ứng tắc nghẽn phế quản gây hẹp đường hô hấp có hồi phục do được kích thích bởi sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, không khí lạnh, tập thể thao, hay các kích thích về cảm xúc…
Triệu chứng bệnh bao gồm những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho, đặc biệt thường xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm, đây là những dấu hiệu của suyễn. Giữa các cơn thì người bệnh cảm thấy bình thường.
"Những bệnh nhân có tiền sử bệnh hen, cần được khám và tư vấn sử dụng thuốc hen dự phòng, khi thấy dấu hiệu ho, tức nặng ngực, kèm theo khó thở, nên đến ngay cơ sở y tế để được bác sỹ thăm khám và tư vấn sớm về tình trạng bệnh. Tránh những tai biến bất ngờ xảy ra, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh", BS. Việt cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận