Hôm nay (4/10), Cục Đường sắt VN phối hợp với Ban ATGT tỉnh Nam Định tiến hành kiểm tra, rà soát các lối đi tự mở, giao cắt đường bộ - đường sắt, các vị trí hành lang nguy hiểm để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định có chiều dài 41,15km. Tuyến đường này chạy song song với QL21 và QL10, qua các khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp có tốc độ đô thị hóa cao, người dân bám mặt đường để kinh doanh, sinh sống, dẫn đến phát sinh nhiều vi phạm về hành lang và giao cắt đồng mức đường bộ - đường sắt, đặc biệt là lối đi tự mở. Hiện trên địa bàn tỉnh có 44 đường ngang hợp pháp, trong đó chỉ có 13 đường ngang có nhân viên gác chắn, nhưng có tới 248 lối đi tự mở.
Việc này dẫn đến tình hình ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh Nam Định rất phức tạp, xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2019 (từ 16/12/2018 đến 15/9/2019), xảy ra 11 vụ, làm chết 4 người, bị thương 7 người. So với cùng kỳ 2018, tăng 4 vụ (57,14%); tăng 1 người chết (3,33%); và tăng 5 người bị thương (150%).
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, thời gian qua các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã phối hợp với các đơn vị đường sắt thu hẹp 37/45 lối đi tự mở; rào đóng, xóa bỏ 19 lối đi tự mở nguy hiểm; duy trì cảnh giới, chốt gác an toàn tại 11 vị trí nguy hiểm…
“Theo Nghị định 65/2018, đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở. Trách nhiệm quản lý, xóa bỏ lối đi tự mở là của địa phương. Vì vậy, đề nghị tỉnh Nam Định xây dựng ngay kế hoạch xóa lối đi tự mở, từ đó xác định lộ trình ưu tiên triển khai”, ông Khôi nói.
Ông Trần Văn Công, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban ATGT tỉnh Nam Định cho rằng, giải pháp căn cơ để quản lý, xóa lối đi tự mở là phải làm hàng rào, đường gom. Vì vậy, ông Công yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố có đường sắt đi qua thực hiện ngay các giải pháp về đảm bảo hành lang ATGT đường sắt, giải tỏa vi phạm hành lang, che khuất tầm nhìn tại các giao cắt đường bộ - đường sắt.
“Nếu địa phương nào để xảy ra tai nạn, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện tốt công tác giải tỏa, đảm bảo hành lang đường sắt cũng như công tác giải phóng mặt bằng để làm đường gom, hàng rào, xóa lối đi tự mở”, ông Công nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận