Xã hội

Nam Định hợp long cầu Đống Cao vượt sông Đào

18/09/2024, 13:43

Sau 2 năm thi công, cầu Đống Cao bắc qua sông Đào thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hợp long, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ thông xe kỹ thuật.

Sáng 18/9, Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định tổ chức lễ hợp long cầu Đống Cao bắc qua sông Đào, kết nối 2 huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên của tỉnh Nam Định.

Nam Định hợp long cầu Đống Cao vượt sông Đào- Ảnh 1.

Cầu Đống Cao có chiều dài 761,8m bắc qua sông Đào.

Đây là cây cầu quan trọng thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2).

Tuyến đường này là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh với chiều dài khoảng 46km; tổng mức đầu tư là 5.326,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Cầu Đống Cao bắc qua sông Đào rộng 12m, chiều dài 761,8m, gồm 17 nhịp (3 nhịp chính dầm hộp liên tục và 14 nhịp dẫn bằng dầm Super T).

Ông Đỗ Ngọc Quang, đại diện nhà thầu cho biết, cầu Đống Cao được khởi công từ tháng 8/2022, hợp đồng thi công tới năm 2025 nhưng đến nay công trình đã hoàn thành 90% khối lượng.

Sau khi hợp long cầu, các hạng mục khác như hệ thống an toàn giao thông, đèn chiếu sáng, lan can, thảm nhựa... sẽ được nhà thầu gấp rút hoàn thiện.

Dự kiến, trong quý IV/2024, cầu sẽ thông xe kỹ thuật, nhanh hơn hợp đồng gần 1 năm.

Được biết, cầu Đống Cao sau khi hoàn thành sẽ thay thế cho phà Đống Cao đã hoạt động nhiều năm qua.

Nam Định hợp long cầu Đống Cao vượt sông Đào- Ảnh 2.

Công nhân đổ bê tông, hợp long cầu Đống Cao.

Ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định cho biết, cầu Đống Cao và tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, mở ra không gian phát triển về đô thị, công nghiệp.

Cầu góp phần rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Bắc - Nam. Qua đó, tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển của tỉnh nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.