Bến bãi trái phép đua nhau lấn chiếm hành lang thoát lũ
Nhiều năm qua, hành lang thoát lũ đê cửa sông Hữu Hồng đoạn qua địa phận xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định bị nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đua nhau lấn chiếm, "xẻ thịt" làm bến, bãi trái phép để trung chuyển, kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng, nhà xưởng chế biến thủy hải sản.
Những ngày đầu tháng 4/2023, PV Báo Giao thông đã có mặt trên con đường đê cửa sông Hữu Hồng trên địa phận xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy (Nam Định) và ghi nhận, dọc hành lang thoát lũ cửa sông Hữu Hồng qua địa phận xã Giao Thiện chỉ hơn 1km có hàng chục bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và các xưởng chế biến thủy hải sản nằm nối liền.
Theo quan sát, tại Km 2+214 đê biển Giao Thủy thuộc địa bàn xã Giao Thiện, một bãi tập kết vật liệu có diện tích rộng gần 1ha. Bãi tập kết này kéo dài từ mép sông Hữu Hồng vào chân đê cửa sông Hữu Hồng, có nhà điều hành, trông coi bảo vệ, có lán để xe ô tô, điện chiếu sáng, quây hàng rào thép gai, trồng cây xanh.
Phía trong bãi ngổn ngang vật liệu là cát vàng, đá base, gạch chỉ đỏ, cát đen... không hề được che chắn án ngữ chân đê, lấn sát dọc theo chiều dài chân đê trải dài ra đến mép bờ sông.
Clip: Xe vào bến không phép trên hành lang đê cửa sông Hữu Hồng "ăn hàng".
Cách vị trí bến bãi này không xa, khoảng 500m (gần bến đò xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy nối xã Nam Phú huyện Tiền Hải) đến Trạm kiểm soát Biên phòng cửa Ba Lạt tiếp tục có 5 bến bãi có diện tích khá rộng cũng đang hoạt động rầm rộ.
Đáng nói, các bến bãi này mở dốc đấu nối trái phép, trực tiếp vào thân đê Hữu Hồng, hoạt động xe tải vận chuyển vật liệu ra vào bãi khá nhộn nhịp.
Xen kẹt giữa những bãi, bến vật liệu trái phép này là 2 xưởng chế biến thủy sản cũng được các hộ dân xây dựng trái phép với quy mô rộng hàng ngàn m2 đang có hoạt động chế biến sứa biển. Sau chế biến, nước thải được xả trực tiếp xuống sông Hữu Hồng.
Dưới mép sông luôn nhộn nhịp các tàu, thuyền ra vào, neo đậu tại những mố cầu cảng, có dấu hiệu xây dựng trái phép để cấp hàng cho những đoàn xe tải cỡ lớn đang chờ sẵn trên bờ chở đi tiêu thụ.
Theo tìm hiểu, các bến bãi, xưởng chế biến này chủ yếu là của doanh nghiệp kinh doanh theo hộ gia đình, hoạt động tự phát trên địa bàn và chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép, thậm chí đã nhiều lần bị lập biên bản xử phạt, yêu cầu khắc phục vi phạm.
Xe nghi quá tải tấp nập ra vào bến
Tại thời điểm PV ghi nhận, bến bãi vật liệu có vị trí cạnh Trạm kiểm soát Biên phòng cửa Ba Lạt có hoạt động xe tải ra vào bến tấp nập. Từ bến này, các xe tải cỡ lớn được một chiếc cẩu xúc màu vàng liên tục múc đá hộc từ một chiếc tàu vỏ sắt lên xe.
Khi đã "ăn no" hàng, các xe này ì ạch vượt lên đê cửa sông Hữu Hồng, tung hoành trên tuyến về thi công công trình trọng điểm trên địa bàn xã Giao Thiện.
Chỉ trong thời gian gần một giờ đồng hồ, ghi nhận các xe có BKS: 20C-101.12; 29C-247.60; 89C-014.43; 12C-022.59; 29C-836.34; 11K-49.45… thay nhau quần thảo tuyến đê cửa sông Hữu Hồng có tải trọng cho phép 12 tấn.
Tra nhanh trên hệ thống Đăng kiểm Việt Nam với xe BKS 29C-836.34 cho thấy, phương tiện này khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông là 13.040kg. Trong đó, khối lượng bản thân 6.045kg; Khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông 5.595kg. Thế nhưng, nhẩm tính nếu chở bằng thành thùng toàn đá hộc, thì trọng lượng hàng sẽ vượt 10.000kg.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện thừa nhận, tại địa phương đang tồn tại một số hộ kinh doanh bến bãi, một số xưởng chế biến thủy hải sản chưa được cấp phép.
"Một số bến bãi do người dân tự phát chuyển đổi từ các đầm nuôi trồng thủy sản sang, một số do UBND huyện cho mượn để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng công trình an ninh quốc phòng. Đến nay, đều hết hạn nhưng người dân cố tình không trả mặt bằng tiếp tục sản xuất, kinh doanh nên địa phương không biết xử lý như thế nào", ông Mạnh nói.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Ngô Ngọc Ánh, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Giao Thủy cho biết, do mới được điều về quản lý tuyến đê trên địa bàn nên chưa xác định các bến bãi đã được cấp phép hay chưa.
"Qua phản ánh của PV Báo Giao thông về việc bến bãi đấu nối trái phép vào đê và hoạt động xe quá tải trên đê, Hạt sẽ cử cán bộ kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ phối hợp hoặc đề nghị cơ quan chức năng xử lý", ông Ánh nói.
PV Báo Giao thông đã gửi thông tin hình ảnh vi phạm và liên hệ nhiều lần với lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy nhưng chưa nhận được hồi âm.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận loạt bến bãi không phép bủa vây hành lang đê cửa sông Hữu Hồng:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận