Bác sĩ khám và điều trị cho 1 trường hợp rối loạn giọng nói
Tự ti vì giọng “mái”
Ở tuổi 15, Nguyễn Tiến M. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mang thân hình trưởng thành của 1 chàng trai cao 1m7, thế nhưng chất giọng cao vút như nữ giới khiến cậu luôn tự ti, khép mình vì sợ bạn bè trêu ghẹo.
Tiến M. bị tình trạng này hơn 8 tháng nay, sau tuổi 14 dậy thì. Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai, M. được mẹ đưa đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không hiệu quả.
Cũng như M., Trần Sơn H. (19 tuổi) cũng “cầu cứu” bác sĩ vì em mang giọng nói the thé của một thiếu nữ suốt nhiều năm qua.
H. cho biết: “Em hạn chế tối đa giao tiếp với người khác, cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, lớp vì không tự tin mỗi khi nói. Đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị em hy vọng tìm lại đúng giọng nam của mình”.
Còn Nguyễn Thu H. (nữ, 20 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) thân hình hơi “đô con”, giọng trầm giống đàn ông.
“Nhiều người tưởng tôi là con trai. Một số người bạn quen qua mạng xã hội, khi nghe giọng nói của tôi họ đã sốc và hỏi những câu mà tôi không biết có nên trả lời không. Ví như: «Em là con trai hả?», «Em là trai hay gái?», thậm chí có những câu nói khiếm nhã.
Với khuyết điểm đó, đến giờ tôi vẫn chưa có mối tình vắt vai. Nhiều khi tự ti về bản thân, tôi hạn chế tiếp xúc với mọi người”, H. chia sẻ.
Tự ti, ngại giao tiếp là tâm lý của hầu hết các bạn trẻ khi họ chẳng may sở hữu một giọng nói “nửa nam, nửa nữ”.
Theo BS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Bạch Mai, rối loạn giọng cao sau tuổi dậy thì là một bệnh thuộc nhóm rối loạn giọng chức năng kết hợp với căn nguyên tâm lý.
“Vào tuổi dậy thì, nồng độ testosterone ở nam tăng cao hơn nữ, làm cho dây thanh phát triển dài ra và dày hơn nên có giọng trầm xuống. Sự thay đổi giọng này kéo dài từ 3 - 6 tháng, sau đó ổn định và thành giọng đàn ông.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp đã qua tuổi vỡ giọng nhưng giọng nói vẫn “mái”. Các trường hợp này có thể thanh, cao, rè, thường xuyên vút cao như nữ và đôi khi tắt ngấm không thành lời.
Sự lỗi giọng này cũng xảy ra ở các bạn nữ, khiến giọng các em trầm, khàn… Tuy nhiên, bệnh này gặp ở nam nhiều hơn nữ”, bác sĩ Nhung phân tích.
BS. Nhung cho biết thêm, ngay khi phát hiện giọng nói bị thay đổi, bố mẹ cần đưa con đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, không nên tự điều trị. Việc chậm trễ trong chẩn đoán, điều trị không phù hợp có thể khiến diễn biến bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho điều trị sau này.
Điều trị sớm cơ hội tìm lại giọng nói
BS. Nguyễn Thị Thu Đức, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rối loạn giọng nói là biểu hiện bất thường của sức khỏe.
Có thể lành tính nhưng cũng có thể là tiềm ẩn tổn thương nguy hiểm gây nên như tổn thương não, khối u ác tính thanh quản…
Bên cạnh đó, rối loạn giọng nói ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ bởi giọng nói bất thường làm trẻ không dám nói, sợ bị chê cười. Từ đó, gây tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý, cũng như khả năng học hành của trẻ….
Trên thực tế, không ít phụ huynh có con bị rối loạn giọng nhưng nghe theo lời truyền miệng, điều trị sai cách, thậm chí chữa trị phản khoa học khiến bệnh ngày càng tệ hơn. Một số khác lại quan niệm “giọng nói trời cho, không thể sửa chữa nên đành chấp nhận”.
“Đây là suy nghĩ sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi mong phụ huynh nếu thấy con có bất cứ biểu hiện nào khác thường kéo dài trên hai tuần về giọng nói như khàn tiếng, nói mệt, hụt hơi, giọng yếu… khác với chất giọng thông thường nên đưa con tới cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám sớm. Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì nếu phát hiện muộn sẽ điều trị khó”, BS. Thu Đức cho biết.
Việc phát hiện sớm sẽ có kết quả điều trị khả quan, tỷ lệ thành công rất cao. Dựa theo nguyên nhân và mức độ rối loạn giọng nói, thầy thuốc sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể.
Các phương pháp bao gồm: Điều trị nội khoa, luyện giọng, điều trị can thiệp (vi phẫu thanh quản, tiêm steroid dây thanh, phẫu thuật cắt dây thanh)… Cơ bản là tư vấn về tâm lý kết hợp với trị liệu giọng nói.
Theo PGS. TS. Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Bạch Mai, sau khi kết thúc liệu trình điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được theo dõi và khám lại để đánh giá mức độ hồi phục và chỉ định luyện giọng để điều trị rối loạn giọng. Lứa tuổi tốt nhất để luyện giọng là trước 20, bởi càng lớn, giọng nói đã ổn định và thành thói quen, việc điều chỉnh sẽ khó khăn hơn.
“Hàng ngày, để duy trì giọng nói khỏe mạnh, người bệnh cần uống nhiều nước, có chế độ ăn ngủ điều độ, tránh lạm dụng các chất kích thích như : Rượu, bia, thuốc lá… tránh các thói quen dễ gây tổn thương thanh quản như la hét, đằng hắng giọng, nói trong môi trường ồn…”, ông Định khuyến cáo.
Rối loạn giọng nói là sự thay đổi các tính chất đặc trưng của giọng nói như: Cường độ, cao độ và âm sắc. Bệnh có thể diễn biến từ từ hoặc cấp tính.
Tỷ lệ gặp ở người lớn là 4,8 - 29,1% và trẻ em 1,4 - 6%. Đặc biệt, trong những năm gần đây, xu hướng này gia tăng ở những người phải sử dụng giọng nói nhiều, do tính chất công việc (giáo viên, ca sĩ, bán hàng, người kinh doanh…).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận