Tranh cãi nảy lửa tại phiên trần đầu tiên
Vụ việc do Nam Phi đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở La Hay, cáo buộc Israel vi phạm công ước diệt chủng năm 1948.
Đây là một trong những vụ kiện quan trọng nhất được xét xử tại một tòa án quốc tế và liên quan tới một trong những cuộc xung đột khó giải quyết nhất trên thế giới.
Trong tuyên bố khai mạc tại Tòa án Công lý Quốc tế, các luật sư Nam Phi cho rằng cuộc xung đột mới nhất ở Gaza chỉ là phần nhỏ trong nhiều thập kỷ Israel gây áp lực với người Palestine.
Luật sư Tembeka Ngcukaitobi đại diện cho Nam Phi khẳng định Israel phạm tội diệt chủng: "Quy mô tàn phá thảm khốc, các hoạt động quân sự nhắm mục tiêu dân thường và trẻ em... Tất cả đều là dấu hiệu rõ ràng của ý đồ diệt chủng, hủy hoại sinh mạng người Palestine".
“Cha mẹ, con cái, anh chị em, ông bà, cô dì, anh em họ hàng thường thiệt mạng cùng lúc với nhau. Sự thật phũ phàng này không khác gì sự hủy diệt cuộc sống của người Palestine ”, luật sư người Nam Phi Hassim nói.
Dù vậy, Israel cho biết cách duy nhất để quốc gia này tự vệ là tiêu diệt lực lượng Hamas vì thế sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, Israel bắt buộc phải triển khai chiến dịch quân sự quy mô lớn càn quét từ bắc xuống nam Dải Gaza, nhắm vào các mục tiêu Hamas.
Sau phiên điều trần, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat gọi bài diễn thuyết của Nam Phi trước phiên toà là “màn trình diễn đạo đức giả" và gọi nhóm pháp lý là “đại diện của Hamas”.
Ông cho biết các luật sư Nam Phi đã bóp méo sự thật ở Gaza thông qua một loạt “tuyên bố vô căn cứ và sai sự thật”, tuy nhiên ông không chỉ ra cụ thể.
Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Israel Eylon Levy cho rằng, vụ kiện không khác nào một thuyết âm mưu chống Do Thái kéo dài hàng thế kỷ. “Israel sẽ xuất hiện trước Tòa án Công lý Quốc tế để xóa bỏ những lời lẽ phỉ báng vô lý của Nam Phi”, ông nói.
Phiên điều trần sơ bộ tiếp theo vào ngày 12/1 sẽ là cơ sở để tòa án xem xét có ra lệnh cho Israel dừng các hoạt động quân sự trong quá trình điều tra toàn bộ sự việc hay không. Được biết, Israel đã cử đội ngũ pháp lý mạnh mẽ tới bào chữa tại phiên toà.
Các nước chia rẽ trước phiên toà
Phiên điều trần đầu tiên đã hé lộ sự phân cực quốc tế. Mỹ và một số nước phương Tây gọi những cáo buộc diệt chủng chống lại Israel là vô căn cứ, nhất là khi Hamas cũng đã tiến hành tấn công vào Israel.
Trong khi đó, một số quốc gia đang phát triển, trong đó nổi bật là Brazil, ủng hộ các cáo buộc của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Chia sẻ với Reuters, ông Sami Abu Zuhri, một quan chức Hamas cho biết: “Chúng tôi kêu gọi tòa án đưa ra phán quyết về các hành động quân sự của Israel tại Gaza”.
Kể từ đầu năm 2024, Israel bắt đầu rút quân ở nửa phía bắc Dải Gaza, trong khi giao tranh gia tăng ở các khu vực phía nam của dải đất.
Tuy Hoa Kỳ ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel với lý do đó là quyền tự vệ cơ bản nhưng nước này cũng kêu gọi đồng minh của mình giảm quy mô hoạt động quân sự tại Gaza, tăng cường bảo vệ dân thường và phải chấp nhận về giải pháp một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.
Những ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã tới thăm khu vực Trung Đông, gặp gỡ các quan chức Israel, Palestine và các quốc gia Ả Rập láng giềng nhằm thúc đẩy quan hệ giữa chính phủ hai nước đang xảy ra bất đồng.
Tại cuộc gặp mặt ngày 7/1, ông Blinken đã đặt ra những gì mà Hoa Kỳ coi là “lằn ranh đỏ” cho tương lai của Gaza sau khi xung đột kết thúc, trong đó phản đối Israel chiếm đóng lãnh thổ và yêu cầu không được ép buộc người Palestine rời khỏi vùng đất.
Israel không chắc chắn về ý định cuối cùng nhưng cho rằng nước này cần có quyền kiểm soát an ninh Gaza vô thời hạn và từ chối vai trò của chính quyền Palestine.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 2/1 cũng đã lên án phát ngôn công khai của một số thành viên trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Israel kêu gọi người Palestine rời khỏi lãnh thổ Gaza để sinh sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận