Nam sâm giải độc, trị cước |
Cây nam sâm hay còn gọi cây chân chim là một cây thuốc quý, dạng cây nhỏ hoặc cây to có thể cao từ 2-8m. Lá kép hình chân vịt, mọc so le có 6-8 lá chét, cuống lá dài 8-30cm, lá chét nguyên hình trứng, đầu nhọn hay hơi tù dài 7-17cm, rộng 3-6cm. Hoa nhỏ màu trắng, quả mọng hình cầu...
Vỏ thân nam sâm chứa saponin, tanin, tinh dầu. Dịch chiết vỏ cây có tác dụng tăng lực, kích thích thần kinh rõ rệt, chống lạnh, hạ đường huyết.
Theo Đông y, nam sâm có vị đắng, chát, mùi thơm nhẹ, tính mát; tác dụng giải nhiệt, làm ra mồ hôi, kháng viêm, tiêu sưng và làm tan máu ứ, bồi bổ cơ thể, điều trị cảm sốt, trừ phong thấp...
- Sổ mũi, đau họng: Rễ nam sâm 15g, cúc hoa vàng (toàn cây) 35g sắc uống.
- Phong thấp đau nhức xương: Vỏ rễ nam sâm 180g ngâm trong 500ml rượu, ngày uống 2 lần, mỗi lần 40ml.
- Giải độc lá ngón, say sắn: Vỏ nam sâm giã nát, sắc nước uống.
- Bệnh cước khí, chân sưng đau: Chân chim, lõi thông, hạt cau, hương phụ, tử tô, chỉ xác, ké đầu ngựa, mỗi vị 8-16g sắc uống.
Tại một số vùng nhân dân đào rễ nam sâm về rửa sạch thái mỏng phơi khô pha hoặc sắc với nước uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác làm thuốc bổ, thuốc mát, thông tiểu tiện. Liều dùng 6-11g/ngày. Lưu ý không dùng cho phụ nữ có thai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận