Chủ kho đạn xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở Bắc Ninh sẽ phải đối mặt mức án nào và chịu trách nhiệm bồi thường ra sao? |
Liên quan đến vụ nổ kinh hoàng ở "làng đồng nát tỷ phú" Bắc Ninh vào sáng 3/1 khiến 2 trẻ em tử vong, 8 người bị thương, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Tiến (SN 1964 ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong), cư trú tại Phố Mới, phường Đình Bảng, TX Từ Sơn, Bắc Ninh vì có hành vi "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng". Ông Tiến là chủ “kho” đạn xảy ra vụ nổ.
Xem thêm video:
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, vụ nổ ở Bắc Ninh gây ảnh hưởng hơn 1km, vậy các nạn nhân trong vùng ảnh hưởng được đền bù thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm đền bù?
Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay, những người buôn phế liệu là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra cho gia đình nạn nhân theo quy định tại các Điều 589, 590, 591 của Bộ luật dân sự năm 2015 bao gồm bồi thường về tài sản bị xâm phạm, sức khỏe bị xâm phạm và tính mạng bị xâm phạm.
Có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân
Cụ thể, theo Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, với hành vi vi phạm này, tùy vào tính chất mức độ phạm tội, hậu quả do tội phạm gây ra đối với người khác (về tính mạng, sức khỏe, tài sản) và giá trị của vật phạm pháp sẽ là căn cứ để định khung hình phạt đối với người phạm tội.
Đối với trường hợp phạm tội dẫn đến hậu quả là làm 2 người chết hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200% hoặc trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
Đối với trường hợp phạm tội làm chết 3 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc thuộc trường hợp vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn thì người phạm tội có thể phải đối mặt với mức hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội của mình gây ra trước Nhà nước, người phạm tội còn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với hành vi của mình gây ra làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Cụ thể trong trường hợp này sẽ áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 để giải quyết quyền lợi cho những người bị hại trên nguyên tắc mọi thiệt hại phải được bồi thường, khắc phục một cách toàn bộ, kịp thời và đúng pháp luật.
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định mức thiệt hại cụ thể của từng cá nhân, đơn vị, tổ chức, trên cơ sở đối chiếu với các quy định về pháp luật để quyết định số tiền mà người thực hiện hành vi phạm tội phải bồi thường hoặc liên đới bồi thường cho những người bị hại.
Trách nhiệm một phần thuộc về chính quyền địa phương
Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, đối với người thu gom, chứa phế liệu là vật liệu nổ gây ra vụ nổ trên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Hiện nay công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến - chủ cơ sở phế liệu để điều tra về hành vi "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" là có căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành.
Cũng theo luật sư Cường, vụ việc này một lần nữa là tiếng chuông cảnh tỉnh trong việc quản lý vũ khí quân dụng, vật liệu nổ cũng như công tác quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân khi thực hiện các hoạt động thu gom phế liệu, rác thải. "Hiện nay, chúng ta đã có đầy đủ các quy định pháp luật về xử lý, phân loại rác thải và các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ. Có nhiều cơ quan, tổ chức được phân công quản lý trong những lĩnh vực này!", Luật sư Cường nhấn mạnh
Ông Cường cũng bày tỏ quan điểm, rằng hiện tượng "cưa bom", chặt đạn... khi người dân nhặt, thu mua phế liệu vẫn xảy ra và gây thương vong, thiệt hại nghiêm trọng tới sức khỏe, tài sản của công dân. Vì vậy, câu chuyện trách nhiệm sẽ được đặt ra với chính quyền địa phương nơi để xảy ra vụ việc. Trước tiên là trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân biết mà chấp hành cho đúng tránh những hậu quả đáng tiếc như vụ việc này. Trách nhiệm tiếp theo được đặt ra là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát trong hoạt động kinh doanh thu mua phế liệu của trường hợp này...
"Các kho chứa rác thải, phế liệu nằm ngay trong khu dân cư là không đảm bảo an toàn, không phù hợp với quy định pháp luật. Những cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong vụ việc này cần phải được xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định pháp luật!", ông Cường đánh giá.
Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: 1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. 2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. 3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. 4. Thiệt hại khác do luật quy định. Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm 1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định. 2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm 1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; d) Thiệt hại khác do luật quy định. 2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận