Hồ sơ tài liệu

Nạn phân biệt chủng tộc ám ảnh nước Mỹ

04/05/2015, 06:07

Ẩn trong lòng một nước Mỹ dân chủ, đa sắc tộc là một nước Mỹ khác-một đất nước mà những người da màu...

111
Một người da màu ngồi trên vỉa hè, trước hàng rào cảnh sát chống bạo động tại Baltimore cuối tuần qua

Thiệt mạng sau tạm giữ

Hôm qua, sỹ quan cảnh sát Brian Moore, 25 tuổi, bị bắn trúng đầu khi đang ngồi trong ô tô ở New York (Mỹ). Brian Moore đã được đưa tới bệnh viện phẫu thuật ngay sau đó, theo AFP. Ông Bill Bratton - đại diện cảnh sát New York cho biết: Anh Moore bị bắn khi đang ngồi trong xe cùng với một đồng nghiệp khác. Nghi phạm đã bị bắt sau đó một giờ đồng hồ. Động cơ vụ việc được cho là có liên quan trước việc những người da đen phản ứng vì bị phân biệt đối xử trong thời gian qua.

Trước đó (ngày 2/5), tòa án bang Maryland chính thức kết tội 6 cảnh sát trong vụ thanh niên da màu Freddie Gray chết với các tội danh: giết người cấp độ 2, hành hung và bắt người bất hợp pháp… 5 trong 6 cảnh sát đã bị bắt giữ để tiếp tục điều tra. Theo toà án bang Maryland, Freddie Gray bị bắt ngày 12/4, chết sau đó một tuần vì hôn mê do chấn thương cột sống. Trong quá trình bị tạm giữ, Freddie Gray đã hai lần yêu cầu giúp đỡ y tế, nhưng cảnh sát đã bỏ mặc. Phán quyết đã nhận được sự hoan nghênh của người dân Baltimore và nhiều thành phố khác, đặc biệt là cộng đồng người da màu đã đổ xuống đường ăn mừng vì “công lý đã được thực thi”. Bộ Tư pháp cũng đang tiến hành một cuộc điều tra riêng.

"Cần có những giải pháp mới đối với những cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi”.

John Boehner
Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Tuy nhiên, công đoàn cảnh sát Baltimore lên án quyết định của tòa án và việc bắt giữ các cảnh sát. Vị đại diện công đoàn cảnh sát cho rằng, đây là một kết luận vội vàng nhằm xoa dịu đám đông và cho rằng các cảnh sát sẽ được tuyên vô tội. Ngoài ra, công đoàn còn yêu cầu có một công tố viên đặc biệt cho vụ việc nhưng đã bị tòa án bác bỏ.

Vụ việc dấy lên các cuộc biểu tình của người da màu và bùng phát thành bạo động sau đám tang của Gray. Hàng trăm ô tô bị đốt, hàng chục cửa hàng bị đập phá. Tổng thống Mỹ Barack Obama phải lên tiếng chỉ trích cách hành xử của cảnh sát có tính chất phân biệt đối xử với người da màu nhưng cũng phê phán cả những người biểu tình gây bạo loạn.

Định kiến “người da màu nguy hiểm”

Sự việc tại Maryland được coi là nghiêm trọng nhất ở Mỹ kể từ sau vụ bạo động với lý do tương tự tại TP Ferguson hồi cuối năm 2014. Thậm chí, ngay cả Hội sinh viên Sigma Alpha Epsilon (SAE) thuộc Đại học Oklahoma còn hò la trong một video lan truyền trên internet: “Không bao giờ có chỗ cho bọn mọi đen” và “treo bọn chúng lên cây”. Ban lãnh đạo trường Oklahoma đã phải đóng cửa SAE và đuổi học hai sinh viên đứng đầu.

Tờ Le Figaro của Pháp từng nhận định: "Giữa cộng đồng người da đen và cảnh sát vẫn còn mối nợ nặng nề. Triệu chứng “họ” với “chúng tôi” vẫn còn ăn sâu trong xã hội”. Một bộ phận cảnh sát da trắng có định kiến người da màu tức là “đối tượng nguy hiểm”.

Một số liệu thống kê cho thấy: Ít nhất 70 sở cảnh sát trên toàn quốc bắt người da đen nhiều gấp 10 lần người da trắng. Thanh niên da đen có nguy cơ bị cảnh sát bắn chết cao gấp 21 lần người da trắng, theo khảo sát của USA Today. Trong số 461 người bị cảnh sát Mỹ bắn chết (được cho là hợp pháp) năm ngoái, người gốc Phi chiếm đa số.

2/3 trong tổng số 37% lao động Mỹ gốc Phi chỉ kiếm được những công việc đơn giản, được trả lương thấp hơn người da trắng. Người Mỹ gốc Phi chiếm 13% dân số (45 triệu người) nhưng trong các nhà tù thì lại chiếm tới 40%. Ngoài ra, cứ 1/15 trẻ em người Mỹ gốc Phi có cha mẹ từng ở tù, còn trẻ em da trắng là 1/111.

Nhà báo Ahson Saeed Hasan nhận định chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ngấm ngầm và dai dẳng ở Mỹ hàng thập kỷ, bất chấp việc nước này đã có một tổng thống da màu. Còn ông Hilary Shelton, Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của người da màu nói: “Đây là vấn đề của nước Mỹ, là mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân, nhất là cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Điều này không thể giải quyết trong một sớm một chiều và là thách thức lâu dài với chính phủ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.