“Cố ý làm trái” và “thông thầu”
Như Báo Giao thông đã phản ánh, dự án tuyến đường số 1 TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong giai đoạn 1. Sai phạm nghiêm trọng nhất là việc "bẻ cong" con đường để đi qua đất của một số quan chức, doanh nghiệp.
Một đoạn trên tuyến đường số 1.
Sau khi ngưng trệ một thời gian, tháng 2/2017, tỉnh Trà Vinh cho triển khai xây dựng dự án tuyến đường số 1 (dự án lập lại và nắn thẳng con đường).
Sở GTVT tỉnh này tiếp tục được giao làm chủ đầu tư, ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Bình An thực hiện dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Theo hợp đồng ký kết, dự án có vốn chủ sở hữu và tiến độ huy động là 25 tỷ đồng; vốn vay và tiến độ huy động là hơn 88 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn do Bình An chịu trách nhiệm và đứng ra thi công.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: Ở giai đoạn 1 của dự án tuyến đường số 1 làm không đảm bảo nên tỉnh mới cho dừng. Sau đó cho làm giai đoạn 2.
Ở giai đoạn 2 này, UBND tỉnh Trà Vinh gặp khó khăn về ngân sách nên chuyển sang hình thức đầu tư thành PPP (hợp đồng BT). Theo đó, yêu cầu doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư giai đoạn 2, đổi lại doanh nghiệp này được giao 34.420m2 đất hai bên tuyến đường số 1 để thu hồi vốn.
Khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư sẽ được Nhà nước giao 34.420m2 đất hai bên đường để thu hồi vốn, đơn giá đất ở giao nhà đầu tư là 2.632.000đ/m2.
Đến cuối năm 2018, công trình thi công hoàn thành, Sở TN&MT Trà Vinh đã không giao đất cho nhà đầu tư và giải thích rằng: trong quá trình thực hiện dự án, trình tự thủ tục đấu thầu chưa đảm bảo theo quy định tại khoản 5, Điều 3, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ, như nhà đầu tư không có đề xuất dự án khác để khai thác quỹ đất thanh toán.
Theo điều tra của PV, vào tháng 6/2019, trong báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh do ông Phạm Khải Trung (khi đó là Chánh Thanh tra tỉnh Trà Vinh ký), cho rằng: "Dự án đường số 1 giai đoạn 2 đã có nhiều thiếu sót".
Điển hình là kế hoạch sử dụng đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo Luật Đất đai, tại thời điểm tính giá đất là thời điểm có quyết định giao đất hoặc cắm mốc giao đất ngoài thực địa, nhưng hồ sơ đã quy định giá đất cụ thể.
Ngoài ra, trình tự tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá đất chưa đúng theo quy định, như: không chọn đơn vị đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện, không có hội đồng thẩm định giá…
Bên cạnh đó, quy hoạch tỷ lệ 1/500 phải do Nhà nước phê duyệt chứ không thể do nhà đầu tư phê duyệt như hồ sơ.
Dự án đường số 1 giai đoạn 2 cũng vướng nhiều sai phạm.
Đặc biệt, khi dự án chuyển qua thực hiện theo hình thức PPP (hợp đồng BT) thì hồ sơ dự án, hồ sơ dự toán đã công bố hết, không còn tính mật. Nếu để cơ quan chức năng vào kiểm tra thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Khi đó, cả cơ quan Nhà nước, nhà đầu tư thực hiện dự án, nhà đầu tư tham gia đấu thầu đều phải chịu trách nhiệm đối với sai phạm này và quy theo tội “Cố ý làm trái”. Nghiêm trọng hơn, khi đấu thầu, nhà thầu đã bỏ sát giá với dự toán của Nhà nước, tức có biểu hiện “thông thầu”.
Từ đây, cơ quan chức năng kiến nghị, điều chỉnh hợp đồng xây dựng - chuyển giao từ phương thức thanh toán bằng quỹ đất ở hai bên đường sang phương thức thanh toán bằng tiền có bù chênh lệch lãi suất huy động vốn của nhà đầu tư trong quá trình thi công theo thời gian trong hợp đồng.
Tính đến nay, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức hàng chục cuộc họp, buổi làm việc và kéo dài qua nhiều năm, nhưng chưa tìm được phương án giải quyết.
Đến cuối năm 2018, tuyến đường số 1 hoàn thành nhưng do hợp đồng BT không đúng quy định nên không giao được đất như hợp đồng đã ký cho doanh nghiệp.
Đến nay, tỉnh Trà Vinh vẫn loay hoay chưa thể giải quyết những lùm xùm trên tuyến đường số 1.
"Do không giao được đất, nên tỉnh chỉ mới tạm ứng một phần kinh phí giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan Trung ương xem xét, hướng dẫn Trà Vinh giải quyết, nhưng đến nay, những khó khăn này vẫn chưa được tháo gỡ", Chủ tịch tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn thông tin.
Dân phản ứng, không chịu “bù lỗ” bằng đất nông nghiệp
Trong một diễn biến khác, nguồn tin từ UBND TP Trà Vinh cho biết, để giải quyết những rắc rối liên quan đến tuyến đường số 1, cơ quan này đã tuyên truyền, vận động người dân nhận đất tái định cư theo hình thức có bù vào đất nông nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp này đã bị người dân phản ứng.
Trước đó, qua thống kê có 253 hộ, gia đình và tổ chức có đất bị thu hồi với diện tích hơn 264.000m2. Sau khi đo đạc, kiểm kê, lập phương án bồi hoàn, thu hồi đất…, tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt hạn mức giao đất là 22,5% đối với các hộ thuộc phường 6, và 24% đối với các hộ dân ở phường 9, thuộc diện phân phối lại đất tại chỗ (là đất ở đô thị).
Hơn 10 năm qua, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được giao đất tái định cư. Trong ảnh: Hai bên đường số 1 là những đồng ruộng vắng hoe.
Theo quy định hiện nay, mỗi hộ dân chỉ được giao tối đa 150m2 đất ở đô thị. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo thành phố lên phương án giao đất nông nghiệp để bù vào, và bù lỗ tiền cho người dân theo lãi suất ngân hàng.
Anh Huỳnh Tấn Phát (người dân địa phương) nêu ý kiến: "Hồi đó, khi người dân đóng tiền là đóng tiền cho đất ở đô thị. Bây giờ lại giao đất nông nghiệp thì chắc chắn không ai đồng ý.
Lấy ví dụ, hiện nay tiền chuyển mục đích sử dụng đất (lên thổ cư) là 1 triệu đồng/m2. Bây giờ tui được giao 300m2 đất tái định cư với một nửa là đất nông nghiệp. Tui đồng ý nhận, nhưng nhà nước phải trả cho dân thêm 150 triệu đồng tiền lên thổ cư của phần đất nông nghiệp”.
Gia đình ông Cao Minh Chí, có 3.500m2 đất bị mất bởi dự án. Từ năm 2009, khi ông nhận tiền bồi hoàn, đã bị yêu cầu phải nộp luôn tiền bố trí đất tái định cư và phân phối lại đất ở tại chỗ (đơn giá 100.000đ/m2). Việc thu tiền từ hơn 10 năm trước, nhưng không giao đất đã gây ra những bức xúc lớn trong dân.
“Lúc họp dân họ nói cứ mất 500m2 đất cho dự án thì được cấp 1 nền tái định cư 120m2 (4x30m), tổng cộng gia đình tui được cấp 7 nền. Hơn 10 năm qua, người dân chờ dài cổ vẫn không được giao đất, bây giờ họ lại nói chỉ giao 150m2, còn lại sẽ giao đất nông nghiệp.
Người dân đã làm đúng và đầy đủ những gì chính quyền yêu cầu, ngay cả việc đóng tiền khi chưa có đất.
Tôi đề nghị chính quyền phải thực hiện đúng những gì đã cam kết với dân. Còn nếu dự án không làm thì phải trả lại đất ban đầu cho dân”, ông Chí cho hay.
Một lãnh đạo UBND TP Trà Vinh cho biết, từ trước tới nay, trên địa bàn TP, chưa có dự án giao thông nào lại có hạn mức giao đất tái định cư lớn như vậy.
“Nếu giao đất theo phương án cũ là trái luật, còn giao theo phương án mới thì người dân không đồng ý. TP chưa biết xử lý ra sao”, lãnh đạo này nói.
Cách đây 12 năm (2009), tỉnh Trà Vinh triển khai dự án tuyến đường số 1 nội ô thị xã (nay là thành phố) Trà Vinh, do Sở GTVT làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài 2.200m.
Quá trình thi công, Sở GTVT đã tự ý thay đổi quy mô, vị trí bằng cách nắn cong con đường này vào sát khu đất của nhiều quan chức và doanh nghiệp.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, khi tổ chức đấu thầu, Sở GTVT đã tự ý điều chỉnh giá dự thầu của nhà thầu, chấp nhận cho nhà thầu không đủ năng lực, tư cách trúng thầu.
Trong tổng số hơn 280.300m2 đất của 253 hộ gia đình và 3 tổ chức có đất nằm cạnh đường số 1, có hơn 40.700m2 đất thuộc quyền sở hữu của 20 cán bộ và chủ doanh nghiệp trong tỉnh.
Riêng Sở GTVT có 8 cán bộ sở hữu hơn 17.000m2 đất. Trong đó, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Sở khi đó có hơn 7.300m2; ông Trần Minh Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông có 761m2 và thân nhân ông này có gần 775m2.
Hai chủ doanh nghiệp trúng thầu là ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vạn Thành, có gần 29.600m2; ông Trần Kế Lực, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hồng Lực có hơn 10.700m2…
Thanh tra tỉnh xác định, những sai phạm trên có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân; Có dấu hiệu cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thanh tra tỉnh đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận