Tăng ưu đãi, giảm thời gian làm hàng
Mới đây, tàu hàng Haian Bell 243S cập cảng Chân Mây ngày 5/11 để xuất nhập 149 TUEs. Theo đại diện cảng Chân Mây, với năng lực xếp dỡ, làm hàng hiện nay, mỗi cẩu chuyên dụng của cảng đạt 14-15 moves/giờ.
So với những chuyến tàu container đầu tiên vào cảng Chân Mây, con số này đã tăng hơn 40% (trước đây đạt 10 move/giờ), nâng cao năng lực giải phóng tàu, rút ngắn thời gian bốc xếp rất nhiều. Chỉ riêng tàu Haian Bell 243S giảm gần 5 giờ làm hàng.
Đáng kể, với chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế, tàu Haian và các hãng tàu đạt tối thiểu 2 chuyến/tháng làm hàng tại cảng Chân Mây còn được tỉnh này hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập qua cảng Chân Mây được hỗ trợ 800.000 đồng - 1,1 triệu đồng/container (tùy loại 20feet- 40 feet).
Ông Lê Chí Phai, Phó tổng giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây cho hay, sau hơn 1 năm triển khai dịch vụ hàng container (từ tháng 10/2022), cảng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị và áp dụng cơ chế chính sách để thu hút hàng container. Hiện, cảng thường xuyên có những giải pháp tiếp nhận tàu hợp lý, bố trí phương án tác nghiệp đã tổ chức bốc xếp hàng hóa với năng suất cao, an toàn.
Thống kê, trung bình mỗi tháng cảng Chân Mây đón 4-5 tàu container cập cảng, nâng tổng số tàu hàng này qua cảng trong hơn 1 năm qua đạt 65 chuyến, gồm 21 chuyến tàu ngoại, 44 chuyến tàu container nội. Công tác triển khai làm hàng thuận lợi, an toàn.
Bên cạnh đó, nguồn hàng container xuất nhập qua cảng Chân Mây khá đa dạng, ngoài các mặt hàng tại địa phương phổ biến như: bia, men frit, gạch men, thạch anh, gạo, cao su, vỏ lon, vật liệu xây dựng, bao bì (Thừa Thiên Huế)…. Ngoài ra, còn có một số nguồn hàng từ Quảng Trị (cao su), Quảng Bình (ván ép), từ Lào (cao su), Đà Nẵng và Quảng Nam (nước giải khát, sữa)…
Kết nối mở rộng dịch vụ container quốc tế, trung chuyển
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, cảng Chân Mây hai bến với tổng chiều dài mép bến 771m, độ sâu trước bến -12.5m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải đến 70.000 DWT, các tàu khách du lịch có chiều dài, kích thước lớn nhất thế giới và các loại tàu Container có trọng tải đến 35.000 DWT, 2.600 TEU ra, vào làm hàng ổn định.
Đặc biệt, với vị thế nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế - Đà Nẵng), cách sân bay Quốc tế Phú Bài 40km, sân bay Quốc tế Đà Nẵng 35km; cửa ngõ ra Biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với Hành lang kinh tế Đông - Tây với cự ly 200km, cảng Chân Mây là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của Miền Trung và Hành lang Kinh tế Đông - Tây, có vai trò quan trọng như một cửa ngõ chính ra biển Đông cho cả khu vực.
Theo ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây, phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, cảng Chân Mây nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực bốc xếp, làm hàng, mở rộng dịch vụ container nội địa và quốc tế. Hiện, cảng đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như: kho ngoại quan 2500m2, bãi hàng container. Dự kiến quý IV/2024, giai đoạn 2 đê chắn sóng hoàn thành, nâng tổng chiều dài đê chắn sóng của cảng lên 750m, tăng năng lực khai thác hàng hóa.
Đồng thời, cảng Chân Mây triển khai áp dụng phần mềm để quản lý, khai thác hàng container; thường xuyên thông tin đến khách hàng về chính sách hỗ trợ của tỉnh và của cảng; hỗ trợ khách hàng 24/7 các dịch vụ tại cảng; đặc biệt, ưu tiên sắp xếp bố trí cầu bến cho tàu container vào cầu ngay khi đến cảng và tiến tới ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, nhằm cung cấp cho đối tác, khách hàng dịch vụ có chất lượng, nhanh chóng, thuận tiện và giản đơn nhất khi đến với cảng Chân Mây.
Ngay tại Hội nghị kết nối các hãng tàu và Doanh nghiệp có hàng container qua cảng Chân Mây ngày 24/11 tới đây, cảng Chân Mây ký kết triển khai mở tuyến vận chuyển container qua cảng vào đầu tháng 12 năm 2023 với hãng tàu RCL (REGIONAL CONTAINER LINES đến từ Thái Lan).
RCL hiện sở hữu và vận hành 49 tàu container đi 69 điểm đến, và chọn cảng Chân Mây để mở tuyến đường biển mới. Với việc ký kết này, cảng Chân Mây hỗ trợ tối đa cho hãng tàu, đồng thời miễn phí lưu bãi và giảm đến 20% đơn giá cho tất cả các dịch vụ liên quan đến container.
Theo ông Huỳnh Văn Toàn, cảng tăng cường kết nối, làm việc với các hãng tàu, Feeder để thực hiện việc trung chuyển hàng xuất, nhập khẩu tuyến (Hải Phòng ↔ Chân Mây (Huế) ↔ Hồ Chí Minh (Cát Lái, Cái Mép).
Đến năm năm 2024, Công ty Cổ phần cảng Chân Mây sẽ sớm bổ sung công năng tiếp nhận, khai thác tàu container cho Bến số 01, mở rộng kho bãi, đồng thời đầu tư thêm thiết bị chuyên dụng phục vụ làm hàng container; xúc tiến thêm hãng tàu mở tuyến hàng container quốc tế qua cảng Chân Mây.
Ngày 24/11, tại KS Indochine Palace (TP Huế), Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp phối hợp cảng Chân Mây tổ chức Hội nghị kết nối hãng tàu-doanh nghiệp có hãng tàu container qua cảng Chân Mây.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả sau hơn 1 năm triển khai dịch vụ hàng container qua cảng với những thuận lợi, khó khăn để tiếp tục tăng cường, thu hút hàng container thời gian tới.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật áp dụng về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế nhập khẩu; tín dụng đầu tư,... để đẩy mạnh việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa qua cảng Chân Mây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 25 về chính sách ưu đãi cho các hãng tàu và doanh nghiệp có hàng container đi qua cảng.
Theo đó, những hãng tàu đạt tối thiểu 2 chuyến/tháng làm hàng tại cảng Chân Mây còn được tỉnh này hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập qua cảng Chân Mây được hỗ trợ 800.000 đồng/container (loại 20feet) và 1,1 triệu đồng/container (loại 40 feet).
Lãnh đạo Công ty CP cảng Chân Mây, đơn vị có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị tỉnh duy trì mức hỗ trợ và gia hạn thời gian áp dụng (3-5 năm) chính sách hỗ trợ cho hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập hàng container qua cảng Chân Mây, để hãng tàu lập kế hoạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận