Y tế

Nắng nóng đến ngất xỉu, có nhất thiết mặc đồ bảo hộ chống dịch Covid-19?

31/05/2021, 18:10

Trong bộ đồ bảo hộ, nhiều nhân viên y tế mệt lả, sốc nhiệt, thậm chí ngất khi lấy mẫu xét nghiệm ngoài cộng đồng.

img

Nhân viên y tế "đuối sức" sau nhiều giờ mặc đồ bảo hộ dưới nắng nóng khắc nghiệt

Đồ bảo hộ cực kỳ ngột ngạt, mặc trời nóng có thể ngất xỉu

Làm việc nhiều giờ dưới nắng nóng khắc nghiệt, nhiều nhân viên y tế mệt lả, thậm chí có người ngất vì mất nước, sốc nhiệt khi khoác trên mình bộ đồ bảo hộ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lý giải vì sao mặc bộ đồ này lại khó chịu đến thế.

Theo ông Nga, bộ trang phục phòng chống dịch dùng một lần cho nhân viên y tế được may bằng loại vải làm từ sợi tổng hợp Polypropylene. Hệ số dẫn nhiệt của vật liệu nilon rất nhỏ, nên khả năng trao đổi nhiệt của bộ quần áo này rất thấp. Không khí bên trong bộ quần áo chống dịch hầu như không liên thông với bên ngoài.

Bộ quần áo bảo hộ ngăn cản quá trình bốc hơi mồ hôi làm ảnh hưởng đến sự giảm nhiệt bề mặt da. Thêm nữa, nhân viên làm việc ngoài trời nắng nóng cộng thêm stress làm tăng quá trình sinh nhiệt. Cộng tất cả các yếu tố này khiến người mặc tăng thân nhiệt so với bình thường, cảm giác nóng bức khó chịu.

Thời gian mặc càng lâu cảm giác này càng nặng nề hơn, có thể dẫn đến ngất xỉu.

Là một chuyên gia y tế lâu năm, ông Nga cho rằng, không nên bắt buộc mặc quần áo bảo hộ khi chống dịch.

Cần tùy tình hình thực tế để quyết định. Với những nhân viên y tế có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, làm trong không gian thoáng, ngoài trời, không phải trong các phòng kín thì không nhất thiết phải mặc bộ đồ bảo hộ.

“Cơ bản, họ cần đảm bảo che được mũi, mồm, miệng. Cần được trang bị khẩu trang N95, đeo kính che giọt bắn, đội mũ, đi găng tay đồng thời đảm bảo khử khuẩn thường xuyên là đủ. Như vậy, nhân viên y tế có thể tránh được những ảnh hưởng về sức khỏe không đáng có nhưng vẫn đảm bảo phòng chống lây nhiễm”, ông Nga nhấn mạnh.

img

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm dưới tiết trời nắng như đổ lửa

Cùng quan điểm, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng gợi mở phương án nên cân nhắc chỉ cần trang bị khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và tạp dề cho nhân viên y tế khi làm việc ngoài trời nắng nóng.

Một bác sĩ đề nghị không nêu tên chia sẻ: "Nếu bố trí được khu vực lấy mẫu ở nơi thoáng mát (ngoài trời), phía sau nhân viên y tế bố trí quạt công nghiệp thổi hết tốc lực thì rất tốt. Quạt ngoài làm mát thì mục đích quan trọng là thông gió, làm loãng nồng độ và thổi bay giọt bắn, virus trong không khí (nếu có) ra chỗ khác nhằm tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế. Tuy nhiên việc này chỉ thực hiện được khi có không gian rộng”.

Rút ngắn ca làm việc, nghỉ ngơi ngay khi có dấu hiệu quá sức

Ở góc nhìn khác, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng y tế công cộng khẩn cấp thì cho rằng: “Khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhân viên y tế cần phải được trang bị đồ bảo hộ để đảm bảo tối đa phòng tránh lây nhiễm".

Tuy nhiên, nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay, Bộ Y tế cần thiết điều phối lại thời gian làm việc như rút ngắn, hoặc tránh làm vào những thời điểm quá nắng nóng. Nhân viên y tế nếu cảm thấy sức khỏe không tốt nên tạm ngừng, phục hồi sức khỏe rồi tiếp tục công việc, không nên quá gắng sức”.

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng trong điều kiện nắng nóng cần bố trí nhiều nhân lực hơn để thay đổi nhau trong ca làm việc, nhất là khi chống dịch ngoài trời (đến ổ dịch để lấy mẫu, xử lý ổ dịch, điều tra truy vết ca lây nhiễm trong cộng đồng).

Không để một người làm việc liên tục 8 tiếng, 12 tiếng mà phải có sự luân phiên thay đổi. Hạn chế thời gian mặc đồ bảo hộ và làm việc liên tục, sắp xếp thời gian nghỉ giải lao hợp lý, khi giải lao nên vào khu vực thoáng mát, thông gió tốt.

Cần cung cấp nước uống đầy đủ, có bổ sung thêm chất khoáng, vitamin cho nhân viên y tế, người tham gia chống dịch… Bên cạnh đó, tất cả các nhân viên y tế đều phải được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động trong điều kiện nắng nóng, huấn luyện cấp cứu khi bị say nóng, say nắng.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, làm việc nhiều ngày trong bộ đồ bảo hộ, không ít người bị viêm da, sốc nhiệt, tình hình sức khỏe đáng lo ngại, dư luận đề nghị cần có những giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe các y, bác sĩ, nhân viên CDC đang ngày đêm làm việc ở tuyến đầu.

Họ không hề ca thán, nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ sức khoẻ tốt nhất cho họ. Báo Giao thông sẽ đặt câu hỏi này với lãnh đạo Bộ Y tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.