Nhiều mẫu điều hòa “lách luật” tăng giá |
Điều hòa: giá tăng vẫn không kịp lắp đặt
Anh Du, chủ cửa hàng điện máy trên đường Láng Hạ (Hà Nội) cho biết, năm nay giá điều hòa các loại đều “lách luật” tăng giá bán khoảng 15% với chiêu thức phổ biến là thay đổi model và dán nhãn tiết kiệm năng lượng, trong khi chức năng, công suất hoạt động không hề thay đổi. Như điều hòa Daikin một chiều, công suất 12.000 TBU, có inverter, giá bán trên thị trường trung bình 11-11,2 triệu đồng, trong khi sản phẩm có tính năng, công suất y hệt năm ngoái chỉ hơn 10 triệu đồng. Điều hòa Daikin một chiều, công suất 9.000 TBU, có inverter giá phổ biến 10,5-10,7 triệu đồng, song giá sản phẩm tương tự năm ngoái chỉ hơn 9 triệu đồng... Anh Du ước tính, lượng hàng bán ra của cửa hàng tuần qua tăng gấp 6-7 lần so với tháng 4.
Các mặt hàng hoa quả như: Dưa hấu, dưa bở, dưa lê, chanh tươi, cam sành,… hay sản phẩm có tính giải nhiệt như đậu đen, đậu xanh; thạch đen, hạt trân châu, dừa nạo… cũng trở thành các mặt hàng bán chạy trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, do sức mua so với mọi năm vẫn yếu, nên giá cả vẫn cơ bản ổn định. |
Sức mua tăng đột biến, khách mua điều hòa thời điểm này tại các cửa hàng, siêu thị điện máy thường phải chờ 1-3 ngày mới có thợ đến lắp đặt; còn khách có nhu cầu thuê thợ lắp đặt hoặc bảo dưỡng thường bị từ chối, dù chấp nhận trả công cao. Theo anh Tú, thợ kĩ thuật của siêu thị điện máy TopCare, dù khách có trả đến 500.000 - 700.000 đồng công lắp đặt điều hòa, 200.000 - 400.000 đồng công bảo dưỡng, nạp ga... thì siêu thị cũng không dám nhận vì không thể điều được thợ. “Hiện thợ của siêu thị đều làm việc xuyên trưa, đến tận 21h để lắp điều hòa cho khách mua máy mới mà cũng không hết việc”, anh Tú nói.
Ngoài điều hòa mới đang “đắt như tôm tươi”, điều hòa cũ với mức giá 3-5 triệu đồng cũng “cháy” hàng. Tại cửa hàng điều hòa cũ gần Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, chúng tôi được báo giá một chiếc điều hòa đã dùng 5 năm của Panasonic giá 4 triệu đồng. “Hiện khách hàng ở ngoại thành Hà Nội và khách các tỉnh rất chuộng điều hòa cũ vì đều là hàng nhập, giá lại rẻ”, chủ cửa hàng bán điều hòa này cho biết.
Đồ uống tiêu thụ mạnh
Quản lý siêu thị Tmart (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Mấy ngày gần đây, lượng hàng đồ uống giải nhiệt siêu thị bán ra tăng gấp 2-3 lần so với lượng bán ra 2 tuần trước. Đặc biệt, các sản phẩm như nước suối Lavie, Aquafina, trà xanh không độ, bia Hà Nội, sữa chua Vinamilk và kem Tràng Tiền lượng tiêu thụ tăng đột biến, gấp 4 lần. Trước đây, với mặt hàng đồ uống giải nhiệt mỗi lần siêu thị nhập từ 20-40 thùng mỗi loại, bán hết trong 5-7 ngày; nhưng mấy ngày gần đây tiêu thụ hết chỉ trong 2, cùng lắm là 3 ngày. Dự báo thời tiết còn tiếp tục nắng nóng, nên từ ngày cuối tuần, siêu thị đã chủ động tăng thêm số lượng hàng nhập. Tuy lượng tiêu thụ tăng cao nhưng phía nhà cung cấp chưa có thông báo tăng giá với bất kỳ sản phẩm nào. Khảo sát tại các khu đô thị lớn như: Văn Quán, Định Công, Linh Đàm, của PV Báo Giao thông cũng cho thấy diễn biến tương tự.
Cùng với đó, lượng tiêu thụ các sản phẩm như: Nước mía, chè, trà đá, bia hơi tại các tuyến phố Bà Triệu, Quang Trung, Đội Cấn, Cát Linh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt… trên địa bàn Hà Nội cũng tăng cao. Vừa tranh thủ quay mía phục vụ khách hàng, chị Minh, chủ cửa hàng mía đá giải khát (cuối phố Bà Triệu) cho biết, đầu tuần trước, mỗi ngày cửa hàng bán túc tắc chỉ được 200-300 cốc, nhưng mấy ngày nay, trung bình mỗi ngày bán 600-700 cốc, có hôm cao điểm như ngày 16/5 bán được 800 cốc. “Thậm chí, hai ngày nay, tôi phải thuê thêm thợ cạo vỏ mía và mở cửa hàng tới tận 23h để phục vụ, vì lượng khách từ chiều tối đến đêm tăng đột biến”, chị Minh kể.
Hải Quỳnh - Anh Thư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận