Vui chơi ngoài trời, nguy cơ cao trẻ say nắng, say nóng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến 21/6, khu vực Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%.
Hiện, trẻ em đang bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè với rất nhiều hoạt động du lịch, vui chơi ngoài trời cùng gia đình. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột thì rất dễ khiến trẻ say nắng, say nóng.
Theo khuyến cáo từ TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguyên nhân trẻ say nắng thường do cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể. Tuy nhiên đối với trẻ em, trung tâm này chưa phát triển hoàn chỉnh nên sự giải nhiệt không tốt, khiến trẻ rất dễ bị say nắng khi cơ thể phải phơi nắng quá lâu. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Khi bị nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ cho cơ thể như: Giãn nở mạch máu, tiết ra nhiều mồ hôi. Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng này ở mỗi người sẽ có một ngưỡng đáp ứng khác nhau. Khi sự điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi nhiệt độ tăng nhanh và cao của môi trường bên ngoài, sẽ dẫn đến bị mất quá nhiều nước qua mồ hôi, gây ra những biến đổi trầm trọng trong cơ thể, gây sốt cao trên 40 độ C, buồn nôn và nôn; da nóng, khô, đỏ; tăng nhịp tim, khó thở; có thể bị ảo giác như nói lắp, không kiểm soát được hành vi, co giật hoặc hôn mê; đau, nhức nhói đầu, thậm chí có thể gây tử vong.
Lưu ý gì khi trẻ bị say nắng, say nóng?
BS Duy lưu ý, nếu các bé bị say nắng, say nóng, bố mẹ cần bình tĩnh để có cách xử trí kịp thời bằng bằng cách gọi bác sĩ hoặc xe cấp cứu ngay lập tức; Làm mát cho bé càng nhanh càng tốt bằng cách bế trẻ đến chỗ mát, thoáng khí. Lau mát cho bé bằng nước mát và quạt cho bé. Đồng thời lưu ý, việc cho trẻ uống các loại thuốc hạ sốt như Ibuprofen hoặc Paracetamol không có tác dụng.
Trong trường hợp bé hôn mê, cha mẹ cần gọi hỗ trợ và hồi sức tim phổi ngay. Nếu bé còn tỉnh, cho bé uống một ly nước lạnh, uống mỗi 15 phút cho đến khi bé cảm thấy đỡ hơn; Liên tục theo dõi thân nhiệt tim phổi của bé trong khi đợi bác sĩ và xe cấp cứu.
Ngoài ra, mệt lả do nóng cũng là tình trạng nhiều trẻ gặp phải trong mùa hè khi nhiệt độ tăng cao và hoạt động, tập luyện thể lực nhiều giờ dưới trời nóng bức. Vì vậy, cha mẹ cũng cần chú ý, khi trẻ có các triệu chứng da lạnh, nhợt nhạt; ra mồ hôi; hoa mắt; ngất; yếu mệt cần xử trí kịp thời.
Theo bác sĩ Nhi khoa, trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm và rất dễ bị say nắng, say nóng. Nhiệt độ môi trường là yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề sức khỏe nhưng cũng không hoàn toàn là yếu tố quyết định duy nhất, mà còn do ảnh hưởng đồng thời của môi trường kín khí gây khó thở; cơ thể thiếu nước, mặc quần áo quá chật...
Ví dụ, trời nóng 36 độ C nhưng nếu đứng trong bóng râm, thoáng khí ít có nguy cơ say nắng, say nóng hơn khi ở ngoài trời vận động thể lực mạnh dưới cái nóng 32 độ C hoặc bị quần áo che kín (nhất là với trẻ nhũ nhi). Một đứa trẻ ở trong xe hơi đóng kín cửa sẽ dễ bị say nóng do thiếu oxy và bị ánh nắng ở ngoài chiếu thẳng vào dù nhiệt độ môi trường lúc đó chỉ 25 độ C. Chính vì vậy, nếu cho trẻ đi ô tô, tuyệt đối không để trẻ 1 mình trên xe. Khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ.
Ngoài ra, hãy tắm cho các trẻ bằng nước mát khi nhiệt độ ngoài trời cao, nắng nóng gay gắt. Việc này sẽ giúp điều hòa thân nhiệt của các bé. Bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng. Đối với trẻ lớn phụ huynh nên động viên trẻ tập luyện thể thao thường xuyên giúp cơ thể dẻo dai, tràn đầy sức sống hơn, tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận