Nắng nóng gay gắt, mất nước, say nắng… sẽ khiến trẻ kiệt sức dẫn đến tử vong |
Theo cảnh báo của BS. Trần Thu Thủy, BV Nhi TƯ, trong những ngày nắng nóng gay gắt như hiện nay, cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến việc chống nóng, và bổ sung nước cho trẻ.
Trẻ rất dễ bị mất nước khi lượng dịch thoát ra qua mồ hôi và nước tiểu lớn hơn lượng dịch uống vào. Mất nước ở mức độ nhỏ, kể cả chỉ tương đương 2% cân nặng, cũng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ. Mất nước làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt và do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác. Chính vì vậy, cha mẹ cần lưu ý đến các biểu hiện của mất nước ở trẻ như: Môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu; Khóc không có nước mắt; Trẻ quấy khóc, khó chịu; Có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi. Thậm chí trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện: mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê.
BS. Thủy cho biết, nếu nghi ngờ bé bị thiếu nước, cần chuyển bé vào nơi thoáng mát, cho bé uống nước. Nếu bé không cảm thấy dễ chịu hơn thì cần tìm sự trợ giúp y tế.
Trong những này hè, say nắng đối với trẻ là căn bệnh nghiêm trọng nhất. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. “Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời”, BS. Thủy khuyến cáo.
Theo các bác sĩ nhi, say nắng là tình trạng cấp cứu, có thể dẫn tới tử vong. Do vậy khi thấy trẻ có những dấu hiệu say nắng (thân nhiệt cao, mạch nhanh, chóng mặt, buồn nôn…) cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ, ví dụ nhanh chóng chuyển trẻ đến khu vực râm mát, dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh. Đồng thời, theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.
Theo phân tích của BS. Thu Thủy, nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi, là do tỷ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên cân nặng cao hơn so với người lớn khiến lượng nhiệt hấp thu từ môi trường và lượng nhiệt sản sinh khi vận động đều cao hơn. Trẻ quá nhỏ chưa thể tự vận động để lấy nước uống sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm trẻ. Với trẻ đủ lớn để tự lấy nước cũng thường hay quên, không uống đủ nước, do vậy cha mẹ cần thường xuyên nhắc trẻ bổ sung nước.
Khi trẻ ra ngoài, cần tuyệt đối tránh giờ cao điểm từ 10h-16h, tránh ánh nắng dọi trực tiếp vào trẻ; đồng thời, trang bị đủ thiết bị chống nắng, bổ sung nước và làm mát thường xuyên cho trẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận