Y tế

Nắng nóng hầm hập, tia cực tím tăng cao, người dân làm gì để giữ sức khỏe?

22/04/2019, 15:14

Nắng nóng đỉnh điểm còn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4, theo các chuyên gia y tế, người dân cần chủ động phòng tránh nắng để bảo vệ sức khỏe.

img
Nắng nóng hầm hập bủa vây nhiều tỉnh thành

Cảnh báo chỉ số tia cực tím (UV) tăng cao

Nắng nóng hầm hập bủa vây hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước từ nay đến ngày 28/4. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng, Thủy văn TƯ, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây đang đầy dần lên với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay (22/4), nắng nóng tiếp tục xảy ra ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, riêng vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ từ 38-39 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.

Do ảnh hưởng của nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Bắc Bắc Bộ.

Còn tại Nam bộ, nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Riêng TP.HCM nhiệt độ cao nhất là 38 độ C, nhưng nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 40 độ C do bức xạ nhiệt, nóng hầm hập.

Cũng theo thông tin từ trang Weather Online (Anh), ngày hôm nay (22/4) và 3 ngày tới (23-25/4) chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM đều ở mức cao nhất là 12.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số UV cao nhất là 11+ với thời gian gây bỏng là 10 phút. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-15h.

4 lưu ý để chống nắng và tác hại tia cực tím

img
Cần tránh ra đường giữa trưa nắng gắt

Nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Do vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Da liễu Trung ương cảnh báo, mọi người cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, trước chỉ số tia cực tím tăng cao, để tránh ung thư da mọi người cần lưu ý:

Tránh ra ngoài trời giờ nắng gắt: Tia UV nằm trong ánh sáng mặt trời. Khi nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia UV, từ sáng đến chiều tối, khi trời nắng gắt hay có mây, mưa. Tia UV có cường độ mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 14, 15 giờ chiều.

Vì vậy, không nên ra ngoài trời khi nắng gắt, đặc biệt trong khung giờ này trên.

Che chắn chống nắng cho da, mắt: Khi ra ngoài trời nắng, có thể mặc quần dài, áo dài tay, áo chống nắng.

Cần đội nón rộng vành, có chiều rộng vành trên 2,5 cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng dù (ô). Đeo mắt kính màu sậm, màu đen. Bịt kín khẩu trang che chắn da mặt.

Màu đen, màu sậm giúp chống nắng 90%: Sử dụng màu đen, sậm (quần áo, khẩu trang, kính râm) có tác dụng chống nắng 90%. Nên dùng khẩu trang vải dầy, dệt chéo. Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, quá mỏng, không có tác dụng chống nắng, chống tia UV.

Dùng kem chống nắng: Có thể sử dụng kem chống nắng có ký hiệu SPF tức chống tia UVB, ký hiệu dấu * hoặc + có tác dụng chống tia UVA. Chỉ số SPF càng cao, bảo vệ càng được lâu, tuy nhiên nếu quá cao sẽ gây kích ứng da.

Khi sử dụng kem chống nắng, cần thoa 20-30 phút trước khi đi ra ngoài nắng và sau 2 giờ phải thoa lại vì kem chống nắng chỉ có tác dụng khoảng 2 giờ.

img

Thời tiết hôm nay (20/4): Nắng nóng hoành hành, Hà Nội bỏng rát 38 độ C

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.