Bạn cần biết

Nắng nóng năm nay không gay gắt nhưng bão tới sớm

07/06/2018, 13:11

Mùa mưa bão năm nay tới sớm, miền Trung được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bão và áp thấp...

hoang-phuc-lam-copy-1515971951317-0906

TS. Hoàng Phúc Lâm - Trưởng phòng Khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, mùa mưa bão năm nay tới sớm, miền Trung được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bão và áp thấp...

Ông nhận định như thế nào về các đợt nắng nóng từ đầu hè tới nay so với các năm? Dự báo từ nay tới cuối mùa hè còn nhiều đợt nắng nóng nữa hay không?

Nắng nóng trong mùa hè 2018 không kéo dài và không gay gắt. Thông thường tháng 4 hàng năm đã bắt đầu có nắng nóng, ví dụ tại Hà Nội ngày 6/5/2003 đã nóng 40OC; 11/4/2006 đã nóng 39OC; 1/5/2012 đã nóng 39,6OC. Tuy nhiên năm nay, đến đầu tháng 5 mới xuất hiện đợt nắng nóng trên diện rộng đầu tiên ở Bắc bộ, muộn hơn so với mọi năm. Nguyên nhân là do trong tháng 4/2018 đã có mưa nhiều hơn so với mọi năm và không khí lạnh vẫn hoạt động khá đều đặn, mỗi đợt không khí lạnh dồn xuống lại mang theo mưa khiến cho nhiệt độ không tăng cao được.

Từ tháng 5 đến nay đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng ở Bắc bộ và Trung bộ, tuy nhiên nắng nóng không gay gắt và không kéo dài (thời gian chỉ kéo dài 3-4 ngày). Nếu so với khoảng thời gian này năm ngoái, các tỉnh Bắc bộ đã phải hứng chịu đợt nắng nóng lịch sử với giá trị đo được nhiều nơi tới 41-42OC. Đây là giá trị nhiệt độ đạt mức kỉ lục trong vòng 46 năm qua.

Dự báo trong tháng 6 và tháng 7 năm nay sẽ tiếp tục là thời gian cao điểm mùa nắng nóng trong năm. Tuy nhiên, mức nhiệt cao nhất năm nay khó vượt ngưỡng năm 2017. Theo đó, nền nhiệt Bắc bộ chỉ khoảng 38-39OC, vùng núi như: Sơn La, Hòa Bình và những nơi có hiệu ứng đô thị như Hà Nội, có thể nóng 39-40OC. Tại miền Trung, một số nơi cục bộ có thể đạt 41-42OC.

Thưa ông, tình hình mưa bão trong mùa hè này được nhận định ra sao về tần suất lẫn cường độ?

Mùa bão năm nay đã đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Ngay từ đầu năm 2018, trên khu vực biển Đông đã xuất hiện cơn bão số 1 trong tháng 1/2018 và 1 áp thấp nhiệt đới trong tháng 2; Tuy nhiên, đều không ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Hiện tại cơn bão số 2 hình thành và hoạt động trên khu vực biển Đông và đang đi dọc bờ biển khu vực miền Trung, đã ảnh hưởng gián tiếp gây mưa ở các khu vực trên. Theo nhận định, bão có xu hướng di chuyển lên hướng Bắc đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) và có thể gây mưa ở khu vực ven biển phía Đông Bắc bộ.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia năm 2018 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng tương đương năm 2017. Cụ thể, sẽ có khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Theo quy luật thông thường, bão ảnh hưởng đến miền Bắc trong đầu mùa, vào miền Trung ở giữa mùa và dịch dần xuống phía Nam, miền Trung và Nam bộ vào cuối mùa. Dự báo năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung bộ.

Từ nay tới cuối năm, tình hình thiên tai, thời tiết cực đoan được dự báo diễn biến như thế nào?

Từ giờ đến cuối năm, ngoài bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, gió mạnh khi ảnh hưởng đến đất liền như đã nhận định ở trên, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ nhiều khả năng còn xảy ra trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu các tỉnh vùng núi phía Bắc, các khu vực có địa hình dốc và thảm thực vật yếu.

Ngoài ra, còn cảnh báo các hiện tượng gió mạnh trên các vùng biển, nước biển dâng ven bờ do bão và áp thấp nhiệt đới cũng như thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam ở phía Nam biển Đông trong tháng 6-10 và những tháng cuối năm 2018 cảnh báo gió mạnh trên các vùng biển phía bắc và giữa biển Đông do gió mùa Đông Bắc.

Người dân tại hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM rất lo ngại tình trạng úng ngập trong mùa mưa bão. Trung tâm nhận định thế nào về tình hình mưa có thể xảy ra úng ngập tại hai thành phố trên?

Mùa mưa năm 2018 sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều đợt mưa cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn. Với khả năng tiêu thoát nước hiện tại của TP Hà Nội, ngập úng nội thành sẽ tiếp tục xảy ra, đặc biệt trong các tháng 7, 8.

Trong mùa hè này, tình trạng ngập úng ở TP HCM vẫn sẽ tiếp diễn. Nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng ở khu vực này là do mưa lớn hoặc triều cường, đặc biệt là khi mưa lớn kết hợp với triều cường sẽ gây nên tình trạng ngập sâu và diện rộng.

Cảm ơn ông!

Bão số 2 giật cấp 10 gây mưa dông, lốc xoáy ở vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hồi 13h ngày 6/6, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Nam bán đảo Lôi Châu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 -75km/h), giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới bão số 2 di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 13h ngày 7/6, vị trí tâm bão ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông bán đảo Lôi Châu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ vùng tâm bão. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi, vịnh Bắc bộ có mưa rào và dông kèm lốc xoáy, gió giật mạnh.

T.VY

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.