Nắng nóng cẩn trọng với bệnh hô hấp và tiêu chảy
Chăm con đang điều trị tại Khoa Nhi BV Bạch Mai, chị N.T.L (mẹ của bệnh nhi N.A.P, trú tại Hà Nội) cho biết, khi ở nhà cháu có biểu hiện ho, sốt và khó thở, trước đó cháu bị chảy nước mũi. Đáng nói, mấy ngày gần gây, cháu ăn uống kém đi, hay nôn trớ, nên gia đình rất lo lắng nên đưa con nhập viện.
Theo Ths.Bs Phạm Văn Hưng, Khoa Nhi BV Bạch Mai, thời gian gần đây lượng bệnh nhân nhi đến thăm khám tăng hơn, chủ yếu là các bệnh lý về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi họng, viêm tai giữa và rải rác một vài ca sốt xuất huyết. Trung bình một ngày Khoa Nhi – BV Bạch Mai khám ngoại trú cho khoảng 200 bệnh nhi, chỉ trường hợp nặng mới cho nhập viện. Hiện tại, trung bình một ngày chỉ có 10 đến 15 cháu phải nhập viện và dự kiến số lượng bệnh nhân sẽ tăng nhiều trong thời gian tới.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng cho biết, trong điều kiện thời tiết nắng nóng thất thường, có ngày nhiệt độ ngoài trời lên tới 39, 40 độ C đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Nắng nóng không chỉ khiến cơ thể trẻ mệt mỏi mà còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh như sốt, cảm, bệnh về đường hô hấp, viêm họng, viêm phế quản. Nếu trẻ đi ở ngoài trời nóng về nhà tắm luôn thì rất dễ bị viêm phổi.
Bệnh trẻ thường gặp trong thời tiết nắng nóng chủ yếu là bệnh về đường hô hấp. Trong lớp học chỉ cần 1 cháu bị ho, sốt là có thể lây cho các bé khác. Do vậy nếu thấy con có các dấu hiệu ho, sốt, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học, phòng tránh lây lan bệnh cho các bạn cùng lớp.
Bên cạnh đó, mùa hè nắng nóng trẻ dễ bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Chính vì thế, gia đình cũng như trường học cần chú ý khi tổ chức cho trẻ ăn tập trung phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với những trẻ mang đồ ăn đến trường cần lưu ý bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nguy cơ thức ăn bị ôi thiu do thời tiết nắng nóng.
Bác sĩ chỉ ra những sai lầm khi chăm sóc trẻ ngày hè
Theo BS. Dũng, nhiều cha mẹ mắc một số sai lầm về nguyên lý hạ sốt như trẻ chưa sốt cao thì đã cho uống thuốc hạ sốt. Hoặc trẻ sốt cao nhưng không cặp nhiệt độ, không biết nhiệt độ trẻ là bao nhiêu. Hơn nưa khi trẻ sốt cao, thay vì dùng thuốc hạ sốt lại dán miếng hạ sốt, vốn không có tác dụng hạ thân nhiệt cho trẻ. Một số phụ huynh thường mắc sai lầm trong việc vệ sinh tai mũi họng cho trẻ, khi thường xuyên rửa mũi họng cho con mặc dù trẻ không bị viêm mũi họng.
Ngoài ra, đa số trẻ hay lười uống nước hoặc quên do mải chơi, khiến trẻ dễ mất nước trong những ngày hè nóng nực này. Do đó, cần lưu ý thầy cô giáo, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên, cứ nửa tiếng uống 1 lần, không để đến lúc khát quá rồi mới uống.
Để phòng tránh những bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, cha mẹ cần lưu ý, tránh sự thay đổi đột ngột từ điều hòa ra ngoài môi trường cho trẻ. Nên để nhiệt độ điều hòa từ 26-28 độ, không nên để quá thấp. Trước khi ra ngoài thì chúng ta phải tắt điều hòa từ 10 đến 15 phút, sau đó mới cho trẻ ra ngoài, bởi vì những sự thay đổi này làm tăng nguy cơ các bệnh cho đường hô hấp. Phải vệ sinh cho trẻ thật sạch, chú ý tới việc chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là trong mùa Covid-19 thì phải rửa tay thường xuyên, và đeo khẩu trang.
Trong những ngày nắng nóng này, để phòng, tránh say nắng, say nóng cho trẻ, khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động chống nóng cho trẻ bằng việc đội mũ, nón, đi ô,… Trường học cần có hệ thống chống nóng cho trẻ (điều hòa, quạt); thời điểm nóng nhất là lúc giữa trưa và xế chiều nên nhà trường có thể thay đổi giờ học sớm hơn để tránh nóng cho trẻ, đồng thời, trang bị đủ nước trong lớp học. Gia đình cần lưu ý cho trẻ ăn sáng để cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận