Thông tin tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia ngày 7/8, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành). Mức này cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.
Ông Lâm cho rằng, điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.
“Hơn bao giờ hết, việc cải thiện năng suất lao động của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao năng suất lao động. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... đều là các quốc gia có đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước.
Ông Lâm cũng thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), trong đó sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và khơi thông nguồn vốn cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, nâng cao năng suất quốc gia không chỉ dừng ở việc nâng cao năng suất lao động.
“Năng suất quốc gia còn phải đề cập đến hiệu quả sử dụng tài nguyên như đất đai, vốn liếng. Khi nói đến năng suất phải nói tới hiệu quả của tất cả các yếu tố đó dù năng suất lao động là yếu tố quan trọng bậc nhất”, ông Lộc nói.
Ông Lộc đề xuất lồng ghép tổ chức mới thành lập về nâng cao năng suất quốc gia với Hội đồng cạnh tranh quốc gia bởi theo ông Lộc điều này sẽ dẫn tới “không có quá nhiều tổ chức mà hoạt động được nhiều mục tiêu”.
Lãnh đạo VCCI cũng kiến nghị, để thúc đẩy năng suất quốc gia cần phải thúc đẩy cải cách thể chế để vốn, tài nguyên, lao động phải chảy vào khu vực có hiệu quả nhất mà việc cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đi theo hướng này.
Ông Lộc cũng kiến nghị tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. “Làm sao để lao động trong khu vực nông nghiệp xuống còn dưới 10% tổng lao động. Đây là nhiệm vụ quan trọng. Suy cho cùng khu vực có năng suất cao nhất là khu vực doanh nghiệp mà cụ thể là doanh nghiệp tư nhân”, ông Lộc nói và cho rằng thời gian tới cần đưa ít nhất 1,6 triệu hộ kinh doanh (trong tổng số 5,1 triệu hộ hiện nay) vào hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch để có cơ sở pháp lý hỗ trợ khối sản xuất này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận