Sáng 24/9, tại khu kinh tế Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo "Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn".
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã khái quát: Sau khi trang Vân Đồn được vua Lý Anh Tông (1009-1225) khai mở năm 1149, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với một hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hoá, thu thuế và căn cứ phòng vệ...
Quang cảnh hội thảo
Vân Đồn đã trở thành một thực thể phát triển tương đối hoàn chỉnh và hoạt động liên tục trong gần 7 thế kỷ, tức là từ thế kỷ 12 cho đến cuối thế kỷ 18.
Là một thương cảng lớn, hoạt động liên tục, Vân Đồn có vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng với sự nghiệp phát triển, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ, bang giao của quốc gia Đại Việt.
Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh
Sau các phát kiến địa lý thế kỷ 15-16, tuy hệ thống hải thương châu Á có nhiều biến đổi nhưng vùng biển đảo Đông Bắc vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các tuyến giao thương khu vực. Vân Đồn, với sự kết nối giữa hai vịnh biển Bái Tử Long và Hạ Long, từng là điểm đến của nhiều thương thuyền, sứ đoàn các nước châu Á và thế giới.
Thương cảng Vân Đồn trở thành địa bàn có vị trí chiến lược không chỉ với vùng Đông Bắc mà còn là trọng trấn bảo đảm an ninh cho kinh đô Thăng Long và đất nước.
Trong lịch sử, vùng Đông Bắc mà trọng tâm là tỉnh Quảng Ninh luôn là một trong những đầu mối phát triển kinh tế đối ngoại, đồng thời là nơi đón nhận, chịu tác động thường xuyên của các khuynh hướng, trào lưu chính trị, văn hoá và sự xâm nhập của các thế lực từ bên ngoài…
Cảng cao cấp Ao Tiên ở huyện Vân Đồn sắp được đưa vào sử dụng là một trong những công trình hiện thực hóa chủ trương xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn hiện đại của tỉnh Quảng Ninh
"Khu kinh tế Vân Đồn là một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh, sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch, một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và của đất nước", ông Cao Tường Huy nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các cơ quan nghiên cứu Trung ương, địa phương đã thảo luận, đánh giá giá trị toàn diện của quần thể di tích thương cảng Vân Đồn để xác định các tiềm năng phát triển.
Mặt khác, hội thảo cũng đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩa, giá trị của quần thể di tích thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; bổ sung căn cứ khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích lịch sử thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đại biểu dự hội thảo phát biểu tham luận
Kết quả chuyên môn của hội thảo khoa học sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh; đồng thời tiếp tục làm sáng tỏ các luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển của Quảng Ninh.
Không những thế, kết quả của hội thảo còn có giá trị quan trọng, thiết thực đối với việc lập hồ sơ quần thể di tích thương cảng Vân Đồn và đối với việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vân Đồn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận