Công nghệ lần đầu áp dụng tại Việt Nam
Chiều nay (8/6), Công ty Japan Radio Co., Ltd - Nhật Bản (JRC) và TCT Quản lý bay VN(VATM) đã tổ chức Lễ bàn giao hệ thống Giám sát đa điểm (MLAT) lắp đặt tại Cảng HKQT Phú Quốc theo Thỏa thuận tài trợ không hoàn lại giữa hai doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Lê Anh Tuấn; Ông Ozu Atsushi, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản và ông Okabe Daisuke, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã tham dự và chứng kiến lễ ký
Ông Đoàn Hữu Gia - Tổng giám đốc VATM cho biết: Thỏa thuận tài trợ không hoàn lại về cung cấp, lắp đặt, kiểm tra, đánh giá và chuyển giao hệ thống MLAT tại Cảng HKQT Phú Quốc giữa Công ty JRC và VATM được ký kết ngày 2/5/2018 có giá trị 200 triệu Yên, tương đương hơn 43 tỷ đồng.
Đây là chương trình hợp tác xuất phát từ đề xuất của phía Công ty Japan Radio Co., Ltd sau khi có sự đồng ý của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản và được Bộ GTVT Việt Nam chấp thuận.
Theo đó, Công ty JRC tài trợ không hoàn lại cho VATM trang thiết bị, toàn bộ các chi phí vận chuyển, lắp đặt, bảo hiểm, chi phí chuyên gia, các loại thuế, phí có liên quan để triển khai việc cung cấp, lắp đặt, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm và huấn luyện khai thác, bảo dưỡng hệ thống MLAT tại Cảng HKQT Phú Quốc.
“Việc lắp đặt hệ thống MLAT tại Cảng HKQT Phú Quốc đã hoàn thành vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 các chuyên gia không thể nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy, tháng 2/2021 chúng tôi mới tổ chức nghiệm thu tại trạm. Kết quả nghiệm thu, 100% các bài kiểm tra đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức hàng không quốc tế (ICAO, Eurocontrol) và được Cục Hàng không VN thông qua. Hệ thống được khai thác thử nghiệm từ tháng 2/2021 đến nay và được đánh giá hoạt động ổn định, hữu ích trong công tác điều hành bay tại Cảng HKQT Phú Quốc”, ông Gia cho hay.
Phát biểu tại buổi Lễ bàn giao, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Nhật Bản là một trong những quốc gia có ngành hàng không dân dụng phát triển tiên tiến trong khu vực.
Những năm qua, hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ghi nhận sự hợp tác tích cực, chặt chẽ trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung và lĩnh vực hàng không nói riêng thông qua nhiều dự án, phi dự án, các khoản viện trợ phi chính phủ như dự án Cảng HKQT Long Thành; Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực giám sát tiếng ồn tàu bay tại các cảng hàng không; Thỏa thuận hợp tác song phương giữa Cục Hàng không Nhật Bản và Cục Hàng không VN về phát triển cảng hàng không sinh thái.
Sẽ áp dụng tại Cảng HKQT Long Thành
MLAT có thể tính toán chính xác vị trí của máy bay dựa trên thời gian khác biệt mà các máy thu nhận được tín hiệu từ máy bay
Cần phải nói rằng, đây là lần đầu tiên công nghệ giám sát MLAT được triển khai, áp dụng cho công tác điều hành bay tại Việt Nam.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia về điều hành bay cho hay: Trước đây, kiểm soát viên không lưu chủ yếu dùng mắt thường để ước lượng vị trí của máy bay và các phương tiện mặt đất cũng như điều hướng giao thông trong khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, bến đỗ).
Trong điều kiện tầm nhìn kém, kiểm soát viên không lưu hoàn toàn phụ thuộc vào phản hồi từ phi công để định vị máy bay. Việc này đã gây ra rất nhiều tai nạn đáng tiếc đặc biệt là ở các sân bay có mật độ giao thông dày đặc.
Dần về sau, hệ thống kiểm soát và hướng dẫn di chuyển mặt sân (SMGCS) và sau này là phiên bản cao cấp của nó A-SMGCS đã ra đời. Hệ thống này giúp các kiểm soát viên không lưu điều hành bay cả trong điều kiện thời tiết xấu, thường hay sử dụng tại các sân bay có cấu trúc phức tạp hay có mật độ giao thông cao.
Radar giám sát mặt sân (SMR) và các công nghệ tương tự thường được sử dụng trong hệ thống A-SMGCS.
“SMR là radar sơ cấp. Radar này sẽ phát ra các sóng điện từ ra ngoài không gian. Sóng này sẽ phản xạ lại sau khi đập vào các vật thể trong sân bay (máy bay và phương tiện mặt đất). SMR sẽ thu nhận các sóng phản xạ và tính toán ra hướng cũng như khoảng cách tới mục tiêu dựa trên thời gian di chuyển của sóng điện từ”, chuyên gia nói và cho biết: Về cơ bản, SMR đã đáp ứng được chức năng giám sát của hệ thống A-SMGCS.
Tuy nhiên SMR vẫn còn một số nhược điểm như bị ảnh hưởng khi thời tiết trở nên cực xấu; Không thể bao phủ được các khu vực bị che lấp bởi vật cản; Không thể hiện được mã nhận dạng của các phương tiện di chuyển trên màn hình của kiểm soát viên không lưu.
Công nghệ giám sát đa điểm (MLAT) ra đời đã khắc phục được những nhược điểm này. Theo đó, MLAT tiếp nhận và xử lý các bản tin phát ra từ bộ phát đáp trên máy bay (Transponder Mode A/C/S).
Điều này cho phép MLAT tận dụng tối đa dữ liệu nhận được từ máy bay mà không cần phải lắp đặt thêm các thiết bị khác trên máy bay. Vì MLAT nhận các bản tin từ Transponder nên nó có khả năng giám sát cả những phương tiện mặt đất có đủ trang thiết bị cần thiết.
Đáng chú ý, MLAT có thể bao phủ những vùng trời thấp nơi mà radar không bao phủ được với độ chính xác vị trí cao.
Theo các chuyên gia, MLAT chủ yếu được sử dụng trong khu vực tại sân và tiếp cận. Tuy nhiên nếu được nâng cấp lên thành Hệ thống MLAT khu vực rộng (WAM), MLAT còn có thể được sử dụng cả cho dịch vụ điều hành bay tại khu vực đường dài.
Nói về việc triển khai hệ thống MLAT, ông Gia cho hay: Quá trình khai thác thử nghiệm hệ thống MLAT tại Cảng HKQT Phú Quốc trong thời gian vừa qua cho thấy công nghệ giám sát MLAT có nhiều ưu điểm vượt trội, xác định chính xác vị trí của tàu bay hoạt động trên sân bay, góp phần làm tăng độ tin cậy của hệ thống giám sát hàng không.
“Sau khi tiếp nhận bàn giao hệ thống MLAT, VATM sẽ báo cáo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp phép đưa vào khai thác chính thức. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức khai thác, bảo dưỡng hệ thống theo đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng hệ thống MLAT cho công tác điều hành bay tại Cảng HKQT Phú Quốc", ông Gia nói và cho biết thêm: Sau khi đánh giá những lợi ích thu được khi áp dụng công nghệ giám sát MLAT trong thực tiễn, VATM sẽ đề xuất kế hoạch triển khai tại các sân bay khác hiện tại và trong tương lai là Cảng HKQT Long Thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận