Quản lý

Nâng tiêu chuẩn khí thải ô tô, vẫn nhiều ý kiến trái chiều

11/07/2018, 08:02

Dù số lượng ô tô của Việt Nam hiện chưa quá lớn so với các nước trong khu vực, nhưng tình hình ô nhiễm...

13

Kiểm tra khí thải tại Trung tâm Đăng kiểm 29-03S

Tiêu chuẩn khí thải ô tô của Việt Nam thuộc diện dễ dãi nhất khu vực châu Á. Tuy nhiên, việc nâng tiêu chuẩn khí thải để kiểm soát nguồn gây ô nhiễm từ khói xe đang lưu hành vẫn khiến cả các chuyên gia và cơ quan quản lý “đau đầu” vì việc này sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp vận tải, chủ xe và đơn vị kiểm định xe cơ giới.

Mức khí thải ở Việt Nam thấp nhất khu vực

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, dù số lượng ô tô của Việt Nam hiện chưa quá lớn so với các nước trong khu vực, nhưng tình hình ô nhiễm đã ở mức cấp bách và cần sớm được kiểm soát. “Hiệp hội Vận tải ô tô rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và cũng xác định đây là trách nhiệm của những người làm kinh doanh vận tải với cộng đồng”, ông Thanh nói.

Đáng nói hơn, hiện tiêu chuẩn khói thải hiện hành của Việt Nam vẫn giữ nguyên từ 10 năm nay. Trong khi đó, số lượng ô tô trên toàn quốc đã tăng hơn 3 lần (hiện có hơn 2,92 triệu xe) khiến tổng lượng phát thải tăng đáng kể. Theo một số nghiên cứu về môi trường, các chỉ số chất gây ô nhiễm có trong khói thải xe ô tô như: CO, HOx ở một số đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM đã vượt mức cho phép 1,2-1,5 lần.

Theo kết quả nghiên cứu của Cục Đăng kiểm VN, việc nâng tiêu chuẩn khí thải sẽ tác động nhiều nhất đến xe tải sử dụng nhiên liệu diesel, nhất là nhóm xe trọng tải 2-7 tấn và nhóm xe chở người trên 20 năm mà không bị quy định niên hạn sử dụng (dưới 9 chỗ). Nhóm phương tiện này chiếm tỷ lệ không đạt cao nhất trong lần đo khí thải đầu tiên.

Bên cạnh đó, so sánh với các nước cùng khu vực, tiêu chuẩn khí thải trong nước đang dễ dãi nhất khu vực châu Á. Đơn cử, xe sử dụng nhiên liệu diesel trong nước được phép có 72% HSU, trong khi các nước khác 45-65%; xe xăng được phép 4,5% CO trong khi nhiều nước là 0,5-3%.

Tại hội thảo về nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành do Cục Đăng kiểm VN tổ chức ngày 10/7, Cục Đăng kiểm VN đề xuất 3 phương án về nâng tiêu chuẩn khí thải xe đang lưu hành cao hơn so với hiện nay và thêm phương pháp đo có tải, với lộ trình áp dụng từ 1/7/2019. Trong đó, phương án đáng chú ý và khả thi nhất là từ 1/7/2019 áp dụng tiêu chuẩn 60% HSU trong khí thải xe sử dụng diesel (giảm 12% so với hiện nay); mức 3% CO và 700 HC (ppm). Năm 2024 áp dụng mức 50% HSU, 2,5% CO, 500 HC (ppm); năm 2029 mức 40% HSU, 2% CO và 350 HC (ppm). Các xe cũ nhập khẩu áp dụng theo tiêu chuẩn cao hơn so với xe đang lưu hành.

Cùng đó, phương pháp đo sẽ thực hiện theo phương án không tải, gia tốc tự do. Bên cạnh đó, căn cứ điều kiện thực tế địa phương, UBND các tỉnh, thành phố đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng mức 2-3 trước thời hạn nêu trên.

Vẫn nhiều ý kiến trái chiều

Theo ông Vũ Ngọc Khiêm, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ GTVT, nâng tiêu chuẩn khí thải sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp, chủ phương tiện. Bởi khi đó, nhiều chủ phương tiện phải bỏ thêm chi phí để khắc phục, sửa chữa máy móc, duy trì khói thải ở mức cho phép.

Còn ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03V cho rằng, nguồn đầu vào xe ô tô ở Việt Nam khá đa dạng, có loại đã đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 (đồng nghĩa với việc chất lượng xe tốt hơn), nhưng đưa vào hoạt động từ nhiều năm trước, khi chưa có tiêu chuẩn nào. “Hiện, việc đo khí thải xe ô tô theo phương pháp gia tốc tự do, nhưng chưa phản ánh sát thực tế phát thải của nhiều loại phương tiện. Vấn đề đặt ra là có đo theo phương pháp xe có tải hay không. Nếu có cũng cần bức tranh tổng thể, lộ trình để các đơn vị đăng kiểm chuẩn bị đầu tư trang thiết bị, nghiệp vụ đo khí thải theo phương pháp mới”, ông Khanh nêu vấn đề.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, để triển khai theo lộ trình trên, bên cạnh việc cần đánh giá tác động xã hội, hàng loạt vấn đề được đặt ra liên quan đến phương pháp đo khí thải. Trong đó cũng phải tính tới việc có nên phân chia ngưỡng phát thải theo tuổi xe hay nhóm phương tiện; áp dụng tiêu chuẩn chung cho phương tiện toàn quốc hay ở khu vực đô thị cần cao hơn... “Tới đây, Cục Đăng kiểm VN sẽ đánh giá tác động xã hội, lấy ý kiến của DN vận tải, chủ phương tiện để đưa ra đề xuất tiêu chuẩn chính thức, các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Trí nói.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho rằng, cần phân định quản lý phương tiện lưu thông ở trong và ngoài đô thị. Bởi, việc kiểm soát khí thải đối với phương tiện ở đô thị cũng nhằm đáp ứng quản lý đa mục tiêu: Bảo vệ môi trường, hạn chế phương tiện cá nhân, nâng cao quản lý giao thông tại khu vực cần hạn chế giao thông. “Tôi cho rằng, nên đưa ra mức tiêu chuẩn cao hơn nhưng không gây xáo trộn, người dân có thể đáp ứng được. Ngoài ra, cần khoanh vùng áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải, như sử dụng nhiều loại tem khác nhau. Chẳng hạn, xe đạt tiêu chuẩn khí thải thấp thì dán tem màu đỏ và không được lưu thông trong đô thị”, ông Tiến đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.