Hạ tầng

Nắp kênh thoát nước 21 năm “cõng xe” thay đường giao thông ở Lâm Đồng

03/04/2023, 16:12

Tuyến đường nối từ xã Đạ Đờn đến TT Đinh Văn (Lâm Hà) vẫn dang dở mấy chục năm nay vì không có cầu qua con suối nhỏ.

2 tuyến giao thông nông thôn dang dở mấy chục năm vì không có cầu qua suối

Từ QL27, ô tô con chở chúng tôi đi trên con đường rộng lớn, nhưng chỉ chạy được khoảng 2km thì phải dừng lại vì không có cầu qua suối.

Phía bên kia con suối là con đường rộng lớn chạy dài vòng quanh sườn đồi cà phê, tiêu, dâu tằm… và những cánh đồng lúa. Hỏi thăm người dân mới biết từ đoạn dòng suối đến giáp ranh thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà chỉ còn khoảng hơn 3km.

img

Con đường lớn không có cầu qua suối, ngành thủy lợi buộc phải cho người dân đi trên nắp kênh thủy lợi và làm 2 lan can để bảo đảm ATGT

Ông Lê Đức Minh, Trạm trưởng Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Lâm Hà cho biết: “công trình đường giao thông nông thôn song song với kênh tưới tiêu thủy lợi tuyến kênh N3 (đường N3) được đầu tư xây dựng bê tông cốt thép, đưa vào sử dụng năm 2002, hình thức kênh máng vỏ mỏng, dài 8.500m.

Công trình cấp nước phục vụ tưới cho khoảng 550 ha đất sản xuất Nông nghiệp và các nhu cầu dùng nước khác, phục vụ tưới cho xã Đạ Đờn, thị trấn Đinh Văn".

img

Đến năm 2021 lan can 2 bên kênh thủy lợi bị gãy sập hoàn toàn, gây mất ATGT cho người dân đi qua đây

Tại vị trí Km1+ 300 (cầu máng Đa Bon) kênh cầu máng bắc qua suối tiêu thuộc tuyến đường giao thông Đinh Văn - Đạ Đờn kết hợp giao thông dùng cho xe thô sơ qua lại. Đến năm 2021 toàn bộ phần lan can dọc 2 bên cầu đã bị đổ sập gây mất ATGT”.

Trên địa bàn xã Đạ Đờn cũng còn có thêm một cầu máng qua thôn Đa Nung A, hình thức giống cầu qua thôn Yên Thành, nhưng chia cắt đến hơn 300 hộ dân. Tại vị trí K0+400 kênh cầu máng bắc qua suối tiêu, có con đường lớn đi song song bị chia cắt, kênh cầu máng làm nhiệm vụ chuyển nước và kết hợp giao thông qua lại thị trấn Đinh Văn và xã Đạ Đờn. Đoạn kênh cầu máng trên kết hợp giao thông, nhưng chỉ được dùng cho xe thô sơ qua lại.

Sở Nông Nghiệp và PTNT từng đề xuất đề xuất xin đầu tư xây dựng 1 cầu qua suối nằm kẹp kênh, hai đầu cầu đấu nối với tông kẹp kênh, tổng chiều dài cầu và đường nối tiếp khoảng 20m, nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa bố trí được kinh phí.

Ông Trần Khắc Hữu, Chủ tịch mặt trận thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn cho biết: “Không có cầu qua suối, thôn Yên Thành ra làm 2, từ năm 2002, chúng tôi được đi nhờ trên mặt kênh thủy lợi, nhưng theo năm tháng lan can kênh bị đổ gãy, đường bê tông trên mặt kênh bị vỡ, lọt cả bánh xe máy.

Mỗi lần như vậy, người dân trong thôn phải ra vá lại vết vỡ mặt kênh, kiếm tre gỗ cột chặt lại làm thành lan can tạm cho xe máy đi. Đến năm 2021, lan can 2 bên cầu bị sập hoàn toàn, mặt kênh bị vỡ nham nhở”.

Theo ông Lê Đức Minh, trước tình hình đó cuối năm 2021, Sở Nông nghiệp và chính quyền địa phương phối hợp kiểm tra thực tế. Sau đó, đề xuất xin tỉnh và huyện Lâm Hà đầu tư xây dựng 1 cầu qua suối nằm kẹp kênh, cầu đấu nối tiếp 2 đầu đường bê tông kẹp kênh, chiều dài cầu và đường nối tiếp khoảng 20m.

Tuy nhiên, kinh phí làm cầu lên tới 3 tỉ đồng nên Sở Nông nghiệp và PTNT khi ấy đã quyết định đầu tư thay lại cầu máng Đa Bon, kênh cầu máng bắc qua suối tiêu, mặt kênh vẫn làm lan can 2 bên cho xe thô sơ đi qua.

Thiếu khoảng 100 triều đồng, mơ ước người dân thành hiện thực

Thôn Yên Thành có tới hơn 100 hộ dân, toàn bộ là người Nghệ An vào, trong đó người gốc huyện Yên Thành chiếm khoảng 70%. Người dân đến đây khai hoang, lập thôn từ năm 1992. Sở dĩ người dân chọn đây làm quê hương thứ 2 vì nguồn nước đầu nguồn phục vụ tốt cho việc tưới tiêu, trồng chọt, chăn nuôi.

img

Con đường rộng bị thắt nút cổ chai vì không có cầu qua suối

Đến năm 2002, ngành thủy lợi về đây xây dựng hệ thống kênh tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp với trồng trọt cà phê, tiêu, dâu tằm, lúa và chăn nuôi… ngày một phát triển. Kinh tế người dân dần ổn định, khá giả hơn.

Tuy nhiên, chì vì con suối cắt qua, không có cầu chính, ô tô không lưu thông được, tiểu thương luôn ép giá nông sản của người dân.

img

Được doanh nghiệp hỗ trợ ống cống, nhưng vẫn phải bỏ đó lâu ngày vì thiếu kinh phí thi công

Ông Trần Khắc Mai, Trưởng thôn Yên Thành, cho biết: “Chỉ cách QL27 khoảng hơn 2km, cách trung tâm thị trấn huyện Lâm Hà khoảng 7km, nhưng giá nông sản chúng tôi luôn bị tư thương ép với lý do ô tô không qua được. Đơn cử, năm nay giá cá phê ngoài trung tâm xã Đạ Đờn đang là khoảng 48.500/kg, nhưng nhà đứa em tôi vừa bán giá chỉ có 47.000 đồng.

Tháng 10/2022, huyện Lâm Hà chính thức nhận quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đón nhận huân chương lao động hạng ba và kỷ niệm 35 năm thành lập huyện Lâm Hà.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn huyện Lâm Hà đã thay đổi rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ sở vật chất hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa, xã hội được đầu tư đồng bộ khang trang, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, cao gấp 2,5 lần so với năm 2010.

Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều mới còn 4,73%, đặc biệt trong 10 năm qua, huyện đã huy động được trên 5.300 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cách trung tâm huyện chỉ khoảng hơn 5km, 2 con đường giao thông liên xã chính lại vẫn còn dở dang không có cầu qua suối để thúc đẩy phát triển kinh tế cho gần 500 hộ dân 2 thôn yên Thành và thôn Đạ Nung A xã Đạ Đờn

Ngược lại, khi chúng tôi mua vật liệu xây dựng, hay phân đạm, thức ăn chăn nuôi lại phải chịu giá cao hơn, cũng vì lý do ô tô không chở được đến tận nhà cho người dân.

"Nhất là những công việc hiếu, hỉ mới thấy xót xa. Một nửa thôn nằm bên kia suối, nhưng nghĩa trang lại ở bên này suối. Khi có người mất, phải đi bộ hàng cây số qua con suối, mới đưa được quan tài lên xe tang. Đám cưới cũng vậy, xe đậu bên này, cả đoàn nhà trai, nhà gái đi bộ qua suối hàng cây số để đón đưa dâu. Vào mùa mưa nhìn đoàn đón dâu nhếch nhác mà thê thảm”, ông Mai kể.

Ông Lê Đức Minh cho biết: “Năm 2021, sau khi đi kiểm tra, chính quyền và ngành nông nghiệp động viên người dân cùng nhau góp vốn làm hệ thống ống cống lớn, trên con suối, sau đó đổ đất làm đường cho xe ô tô qua lại tạo điều kiện thuận lợi cho dân”.

Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Lâm Hà đã chủ động xin doanh nghiệp hỗ trợ được 6 tấm ống cống D1500, thiếu khoảng 5 tấm nữa. Tính cả chi phí lấp đất đổ bê tông mặt đường còn cần thêm khoảng 100 triệu đồng. Còn lại kinh phí thi công người dân tự bố trí nhân lực, thiết bị máy móc để thi công.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã Đạ Đờn, cho biết: “Xã hoàn toàn nhất trí với giải pháp này nhưng cũng chỉ trích nguồn ngân sách ra cấp xuống khoảng 20 triệu đồng. Xã cũng đã báo cáo lên chính quyền huyện để xin kinh phí hỗ trợ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.