Bức ảnh mô phỏng tàu vũ trụ New Horizons tiếp cận Ultima Thule |
Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2019, tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã lập kỷ lục bay xa nhất trong lịch sử khám phá vũ trụ và tiếp cận thành công vật thể 2014 MU69 (hay còn gọi là Ultima Thule) nằm ở rìa Hệ Mặt trời. Cũng từ đây, biên giới vũ trụ mà con người biết tới chính thức được mở rộng, theo “bước chân” của tàu vũ trụ Mỹ.
Vật thể cổ xưa nhất Hệ mặt trời
Đúng 0h33 sáng 1/1/2019 (theo giờ miền Đông Bắc Mỹ), trong khi người dân vùng duyên hải phía Đông Hoa Kỳ đang mừng năm mới 2019, tàu vũ trụ New Horizons của NASA đã tiếp cận được vật thể Ultima Thule ở vành đai Kuiper.
NASA đặt tên Ultima Thule theo một cụm từ cổ có nghĩa là vượt ra ngoài thế giới đã biết. Ultima Thule, có kích thước 32km dài và 16km rộng, ở cách Mặt trời 6,4 tỷ km và cách sao Diêm vương 1,6 tỷ km, là vật thể xa nhất mà một tàu vũ trụ từng bay qua cho đến thời điểm này.
Ultima Thule không chỉ là vật thể xa nhất, mà còn là cổ xưa nhất từng được con người phát hiện bởi nó là tàn tích từ thuở sơ khai của Hệ Mặt trời và có thể đem lại câu trả lời về nguồn gốc các hành tinh.
Ở khoảng cách 3.540km so với bề mặt Ultima Thule, tàu vũ trụ Mỹ đã phải chụp rất nhanh hàng trăm bức ảnh trong lần trải nghiệm có một không hai này trước khi lướt qua vật thể xa xôi với vận tốc 51.499km/h.
Ở khoảng cách 6,4 tỷ km so với Mặt trời, các nhà khoa học phải mất một thời gian tương đối lâu để chuyển dữ liệu từ New Horizons về Trái đất. Những bức ảnh đầu tiên được gửi về cho thấy vật thể xa xôi này là một đốm sáng mờ, dài, giống như người tuyết (có nhà khoa học mô tả nó có hình củ lạc). Tuy nhiên, trong vài ngày tới, NASA hy vọng sẽ có những bức ảnh chất lượng và ấn tượng hơn.
Các nhà khoa học nghĩ rằng, Ultima Thule giống như hầu hết các vật thể thuộc vành đai Kuiper, là băng giá. Nhưng ông Kelsi Singer, một nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu New Horizons, bày tỏ hy vọng sẽ phát hiện ra những đặc điểm mới về vật thể này mà con người chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác trong Hệ Mặt trời.
Giải mã sự hình thành của Hệ mặt trời
Các nhà khoa học cũng hy vọng những quan sát về Ultima Thule sẽ cung cấp thông tin mới về sự hình thành của Hệ Mặt trời cách đây 4,5 tỷ năm.
Các vật thể trong vành đai Kuiper là phần còn lại của vũ trụ, tàn dư của một quá trình hỗn loạn đã quét một số mảnh vỡ vào các hành tinh và phân tán phần còn lại ở rìa Hệ Thái dương. Nhờ khoảng cách xa so với Mặt trời, các vật thể trong Vành đai Kuiper di chuyển theo quỹ đạo trong một môi trường cực kỳ lạnh khiến chúng hầu như không thay đổi trong hàng tỷ năm.
Điều này có nghĩa là các vật thể này chứa các vật liệu tương tự các hành tinh sơ khai. Đối với các nhà khoa học vũ trụ, Ultima Thule là lưu giữ thời gian vũ trụ trong hình dạng nguyên sơ.
Các nhà khoa học cho biết, các dụng cụ khoa học của New Horizons đã giúp thu thập dữ liệu về thành phần của Ultima Thule, xác định xem vật thể này có bầu khí quyển hay không và có quỹ đạo ra sao.
Nhóm nghiên cứu ước tính sẽ mất 20 tháng để tải xuống tất cả dữ liệu và hình ảnh mà tàu thăm dò vừa thu thập được trong lần tiếp xúc hiếm hoi vừa qua. Hàng loạt hình ảnh cũng như các kết quả đo nhiệt độ và phân tích hóa học sẽ được nghiên cứu chi tiết bởi nhóm vận hành New Horizons, nhằm tìm hiểu Ultima Thule đã được hình thành như thế nào.
Để có những dữ liệu này, các nhà khoa học đã phải đợi 3,5 năm để tàu vũ trụ tiếp cận Ultima Thule. Nhà sử học không gian Andrew Chaikin cho rằng, việc tiếp cận được Ultima Thule mở ra chương mới cho hành trình thám hiểm và khám phá ra những thứ con người chưa từng thấy và tìm hiểu những gì ở đó, từ đó giúp các nhà khoa học hiểu cách hình thành các vật thể khác trong vành đai Kuiper và thậm chí có được nhiều hiểu biết hơn về thời kì sơ khai của Hệ Mặt trời.
“Thành tích đáng kinh ngạc này thực sự là một cách tuyệt vời để bắt đầu năm mới của NASA. Đó cũng là thành tựu tuyệt vời của nhân loại”, ông Chaikin nhận xét.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận