Xã hội

Nên "khoanh vùng" cho mại dâm hoạt động hợp pháp?

05/04/2018, 15:59

Nhiều ý kiến cho rằng thay vì để trôi nổi như hiện nay, nên cho mại dâm hoạt động trong khuôn khổ nhất định.

mai-dam

Ảnh minh hoạ

Chiều 5/4, báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Có nên công nhận mại dâm là một nghề?", với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ĐBQH, các chuyên gia pháp lý, xã hội học.

Nhà xã hội học - PGS.TS Trịnh Hoà Bình thừa nhận việc có nên công nhận mại dâm là một nghề hay không là vấn đề ngày càng phức tạp, nhạy cảm.

Theo ông, xã hội nào cũng phải phòng ngừa tệ nạn mại dâm. Đây là thực tế cần phải thừa nhận để quản lý tốt hơn, để điều chỉnh nó. Nhiều người sợ rằng hoạt động mại dâm sẽ công phá nền tảng đạo đức xã hội, nhưng trên thực tế còn một vấn đề khác là quyền con người của những người hoạt động mại dâm.

“Chúng ta không nên quá băn khoăn về câu chữ, khái niệm, về việc có công nhận là nghề hay không. Cái chúng ta phải quản lý là danh hiệu. Còn nếu coi là nghề thì phải phát triển nghề, tôn vinh nghề. Sẽ có hàng núi công việc nếu chúng ta không kiểm chứng đầy đủ, không bao hàm được mọi khía cạnh. Mấu chốt là ở chỗ có hợp thức hóa không, có quản lý hữu hiệu không? Ta nên đi từ phòng chống chuyển sang quản lý chặt chẽ” – ông Bình nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận ông không phải người rất cởi mở trong chuyện này, nhưng ông nói phải có cái nhìn khách quan, toàn diện mà không nên có định kiến.

Bày tỏ không quan tâm nhiều đến vấn đề kinh tế và đề cao khía cạnh bảo vệ quyền con người, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần có sự điều tra thấu đáo, đánh giá tác động của việc công nhận mại dâm đối với xã hội.

“Riêng tôi, tôi cho rằng nên coi mại dâm là một nghề đặc biệt, có một quy chế quản lý đặc biệt, như thế sẽ tốt hơn để hoạt động trôi nổi như hiện nay, ta vừa không quản lý được, lại vừa không thể đảm bảo quyền con người” – ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Văn phòng Luật sư Minh bạch) kiến nghị nên hợp thức hoá nghề mại dâm trong một địa bàn nhất định, có thể là một địa bàn khá tách biệt, để từ đó quản lý tốt hơn. “Theo tôi, không gái bán dâm nào sau một lần bị xử lý là bỏ nghề. Chúng ta phạt rồi cho tồn tại thì khác nào công nhận, mà lại không quản lý được. Ta nên ban hành khung pháp lý để hoạt động diễn ra trong tầm quản lý. Nếu nó diễn ra bên ngoài địa bàn cho phép thì là bất hợp pháp, sẽ bị phạt nặng hơn, thậm chí phạt 2 lần thì truy cứu trách nhiệm hình sự” – luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.