Từ 1/6, doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ bán lấy VND để thanh toán tiền cho hoạt động sản xuất trong nước |
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho vay ngoại tệ trở lại là tín hiệu tốt cho hoạt động xuất khẩu. Song các chuyên gia cho rằng, nên mở cửa trở lại cả với huy động ngoại tệ bằng việc trả lãi suất, mục tiêu mở rộng tín dụng ngoại tệ mới đồng bộ, đồng thời đảm bảo lợi ích chính đáng của người gửi tiền.
Cho vay USD: nên mở cửa cả với trung, dài hạn
Theo Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015 vừa được NHNN ban hành, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sẽ được vay ngoại tệ trở lại bắt đầu từ 1/6 này.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, việc cho phép DN xuất khẩu vay USD trở lại có hai mục đích: Thứ nhất, hỗ trợ DN xuất khẩu kinh doanh, bằng cách cho vay USD ngắn hạn, sau đó DN bán lại USD cho ngân hàng lấy VND để mua nguyên liệu đầu vào phục vụ xuất khẩu. Thứ hai, hiện nay các DN có yếu tố nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được hưởng mức lãi suất ưu đãi. Thế nên việc DN xuất khẩu được vay USD lãi suất thấp hơn thì tính cạnh tranh sẽ cao hơn. “Tại thời điểm này lãi suất vay USD kỳ hạn dưới 1 năm chỉ khoảng 3-4%. Và trong trường hợp tỉ giá ổn định, DN xuất khẩu được lợi khi hưởng lãi suất USD ngắn hạn chỉ bằng chưa tới một nửa lãi suất VND”, ông Minh nói.
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Saigon phấn khởi cho rằng, việc cho vay USD trở lại hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu, từ đó tăng cơ hội thu ngoại tệ, đóng góp trở lại vào dự trữ ngoại hối quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Long, Thông tư này chỉ mới mở cho vay ngắn hạn chứ chưa mở cho vay trung và dài hạn. Trong khi đó, các DN Việt Nam, để nâng cao năng lực, tăng khả năng cạnh tranh thì phải đổi mới công nghệ, quy trình, máy móc, thiết bị… Muốn vậy, DN phải đầu tư dài hạn. “Bởi, trong những trường hợp đặc biệt như đầu tư công nghệ cao, Nhà nước nên chăng cho phép vay ngoại tệ trung và dài hạn”, ông Long đề xuất.
Huy động USD không được trả lãi là rào cản?
Tín dụng ngoại tệ mở trở lại như thế nào trong khi lãi suất huy động USD bằng 0%? Đây là câu hỏi của nhiều lãnh đạo ngân hàng, chuyên gia tài chính cũng như của nhiều người dân đang nắm giữ ngoại tệ.
Thực tế diễn biến của thị trường cho thấy, huy động ngoại tệ từ đầu năm đến nay đang giảm và nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ gây khó cho mục tiêu mở rộng cho vay ngoại tệ. Mặt khác, với lãi suất huy động USD bằng 0%, người gửi tiền không có gì ràng buộc với ngân hàng nên có thể rút bất cứ khi nào và điều này sẽ khiến các ngân hàng khó chủ động được nguồn vốn đầu vào nên sẽ dè dặt cho vay.
Lãi suất USD 0% không chống được đô la hóa Theo một số chuyên gia, chính sách không trả lãi suất cho người gửi USD vào ngân hàng chưa chống được đô la hóa như mục tiêu đặt ra. Cụ thể, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy dẫn chứng, năm 2014, vốn huy động ngoại tệ chỉ tăng ở mức 4,7% so với năm trước, nhưng trong năm 2015, con số này đã tăng lên 14,3%, điều đó cho thấy, găm giữ ngoại tệ trong dân vẫn tăng. Trong khi đó, vốn huy động VND năm 2015 chỉ tăng 16,3% so với năm 2014, thấp hơn mức tăng năm trước đó là 19,3%. Mặt khác, chúng ta vẫn phải vay vốn ngoại tệ nước ngoài - phải trả lãi. “Tại sao phải đi vay nước ngoài khi lãi suất huy động ở Việt Nam là 0%? Nhà kinh doanh không bao giờ đi vay mà bỏ chỗ lãi suất rẻ để đi tìm nơi có lãi suất cao, đấy là cả một vấn đề”, ông Thúy đặt vấn đề. Thảo Nguyên |
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Minh thừa nhận, tính từ khi lãi suất tiền gửi USD bằng 0% đến nay, huy động ngoại tệ trên địa bàn TP HCM giảm khoảng 11,02% so với đầu năm. Trong đó, 60% số lượng USD được rút ra đã bán cho ngân hàng lấy VND gửi tiết kiệm, còn lại 40% đã được chuyển qua kênh đầu tư khác.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước, cuối năm 2015, NHNN hạ lãi suất huy động USD về 0% là điều hợp lý nhưng ở thời điểm này, thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ không tăng lãi suất dồn dập trong năm 2016. “Trong bối cảnh này, có lẽ chúng ta nên điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn, để các ngân hàng không cần phải lách trần lãi suất ngoại tệ, mà vẫn giữ được ổn định trong chính sách tiền tệ. Chẳng hạn cần cân nhắc lại vấn đề lãi suất huy động đối với các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng hay 6 tháng, 1 năm…, lãi suất có thể dao động 0,5%, 0,25% hay cao/thấp hơn, tùy thuộc vào nhu cầu”, ông Phước gợi ý.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, quy định mới của Thông tư 07 có thể sẽ làm tăng lãi suất cho vay USD sắp tới vì cầu USD sẽ tăng. Lãi suất cho vay USD tăng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất tiền đồng (VND). Trong khi đó, việc cho vay USD đòi hỏi các ngân hàng phải có thanh khoản mà hiện tại lãi suất huy động USD 0% sẽ là một rào cản. “Theo tôi NHNN nên xem xét có thể cho phép các ngân hàng huy động USD với mức lãi suất như trước kia hoặc theo nhu cầu của thị trường”, ông Hiếu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận