Trò chuyện với Báo Giao thông, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, khi có quy định rõ ràng, sẽ mở đường khai thông cho nhân tài xuất lộ.
ĐBQH Lê Thanh Vân
Thế nào là dám nghĩ, dám làm?
Hiện dự thảo Nghị định đã và đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ. Theo ông, việc này có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn hiện nay, khi một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai?
Theo tôi, chính sách khuyến khích người dám nghĩ, dám làm của Đảng là rất sáng suốt, nhất là trong lúc này. Và việc Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ để ban hành Nghị định là hết sức cần thiết.
Bởi phải có chế tài, quy định rõ ràng bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung thì mới mở đường khai thông cho nhân tài xuất lộ, đồng thời có bảo đảm về pháp lý để chính sách không bị lợi dụng.
Tuy nhiên, Nghị định phải có những quy định rất cụ thể để khống chế, xác định được không gian phát triển, xây dựng những điều kiện phát triển và chia sẻ rủi ro, ngăn chặn thao túng lạm dụng quyền lực để trù dập người tài, người dám nghĩ, dám làm.
Theo ông, thế nào là dám nghĩ, dám làm? Những người như thế nào được coi là người sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung?
Đối với nhân tài, phải hết sức ưu đãi vì đó là của quý trong trời đất. Tài nguyên khoáng sản có thể cạn kiệt nhưng với nhân tài, nếu phát huy được giá trị vô cùng lớn lao, phải đặc biệt trân trọng.
ĐBQH Lê Thanh Vân
Theo tôi, người dám nghĩ, dám làm tức là người nghĩ khác và làm khác so với các quy định hiện hành nhưng không trái với Hiến pháp, chủ trương của Đảng.
Dám nghĩ là khi trong quy định hiện hành chưa có mà người ta dám nghĩ đến.
Dám làm cũng vậy. Đó là dám làm những điều trong pháp luật chưa có nhưng không trái với Hiến pháp, đường lối chủ trương của Đảng.
Quan trọng là mục đích của cái dám nghĩ, dám làm đó là gì? Việc đó mang lại lợi ích chung hay lợi ích riêng? Dám nghĩ dám làm mà lại phục vụ cho cá nhân, dòng họ cho lợi ích nhóm là không được. Thậm chí, đó là “lạng lách” pháp luật.
Điều quan trọng là phải hướng tới lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của Nhà nước. Đấy mới là chủ trương dám nghĩ, dám làm mà Đảng và Nhà nước khuyến khích.
3 tiêu chí đánh giá
Người dám nghĩ dám làm chắc chắn sẽ có những cái đúng, nhưng cũng sẽ có những cái sai. Vậy ai sẽ là người đánh giá chính xác đâu là người dám nghĩ dám làm?
Việc này có mối quan hệ hữu cơ với người đánh giá. Người đánh giá mà không khách quan thì trong con mắt của họ, những điều vốn là khách quan sẽ không còn khách quan nữa.
Do đó, cần phải kiểm soát trên 3 phương diện. Một là mục đích hướng tới của người dám nghĩ, dám làm là gì.
Hai là nội dung của dám nghĩ, dám làm đó có trái với đường lối chủ trương, Hiến pháp không? Tôi nhấn mạnh là Hiến pháp chứ không phải pháp luật. Vì pháp luật hiện hành có thể chưa có quy định liên quan tới đề xuất đó. Không được trái với Hiến pháp vì đây là nền tảng thể chế chính trị xã hội, những nguyên tắc cơ bản nhất để quản lý xã hội.
Với trường hợp, đề xuất đó không phù hợp với Hiến pháp thì phải có kiến nghị được cấp có thẩm quyền quyết định.
Nói như thế không có nghĩa là họ bị giới hạn. Quan trọng nhất vẫn phải soi vào mục đích. Nếu đề xuất là vì mục đích quốc gia, dân tộc thì kể cả đụng tới Hiến pháp, đường lối của Đảng, đều có thể lý giải rõ để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho thí điểm. Phải phân biệt rõ như vậy!
Cuối cùng là kết quả - sự phản ánh trung thực 2 điều trên. Nếu người ta đưa ra một phát minh làm thay đổi quy trình sản xuất/điều hành/lãnh đạo, không phục vụ cho cá nhân; hoặc đưa ra đề xuất có lợi rõ ràng, chênh lệch lớn so với cách làm thông thường thì có thể coi đó chính là kết quả.
Chiếu vào 3 tiêu chí (mục đích, nội dung và kết quả) thì đó chính là bằng chứng chứng minh đề xuất dám nghĩ, dám làm của họ là đúng đắn, buộc những người nghiệm thu/đánh giá họ phải thừa nhận.
Nhưng ông có cho rằng, những công việc liên quan tới chính sách rất khó đánh giá, phải qua vận hành mới có thể thấy rõ được?
Ở mặt này, đòi hỏi sự tinh tường của người phụ trách, người lãnh đạo. Nếu người đó không đủ tầm nhận biết, tâm không trong sáng, thì việc dám nghĩ, dám làm của cấp dưới sẽ không được tôn trọng, thậm chí không được ủng hộ.
Do đó, trong quy định phải ghi rõ môi trường, điều kiện để người có phát minh sáng chế, sáng tạo những ý tưởng thay đổi quy trình làm việc, quản lý… tự tin đưa ra ý tưởng và dám làm khác.
Nếu họ không nhằm mục đích cá nhân để trục lợi thì khi có rủi ro xảy ra phải chia sẻ với họ.
Ở nước ngoài, họ có những “vườn ươm nhân tài”, “lò luyện nhân tài”, những tập đoàn lớn có quỹ chia sẻ rủi ro với các start-up. Từ đó, mới có thể xuất hiện “kỳ lân” xuất sắc được.
Còn lãnh đạo không đủ tầm nhìn, chủ yếu là mua chức bán quan, con ông cháu cha, ích kỷ hẹp hòi, đố kỵ với người tài, người ta chưa đưa ra ý tưởng đã bị trù dập, thì khi thấy người ta gặp rủi ro thất bại sẽ lấy cớ để trù dập. Đó chính là khuynh hướng phải tránh!
Phải có cơ chế bảo vệ người thực tâm
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến các địa phương phía Bắc vào dự thảo Nghị định quy định bảo vệ cán bộ dám, nghĩ dám làm ngày 24/3
Theo ông, để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm thì cần nhất là gì? Chẳng hạn như trong một cơ quan, khi một người có ý tưởng đột phá làm lợi cho tập thể nhưng lại vấp phải những kẻ tiểu nhân, cơ hội, vin vào những thứ pháp luật chưa quy định để cản trở, truy trách nhiệm, lúc đó phải làm thế nào?
Dự thảo Nghị định mà chúng ta đang xây dựng phải đưa ra những biện pháp phòng ngừa, răn đe, đưa ra tình huống trừng trị người lợi dụng quyền lực, ức hiếp người dám nghĩ, dám làm.
Có những người không đủ tri thức để nhận biết đề xuất của người ta đã vội gạt đi hay ích kỷ hẹp hòi, thấy người ta tài năng hơn là vùi dập, lấy đủ mọi lý do để ngáng trở.
Việc làm như vậy là đi ngược lại tinh thần, chủ trương trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị và những kẻ như vậy phải xử lý thích đáng, thậm chí phải xử lý nặng về hình sự mới đủ sức răn đe.
Ngày xưa, các vị vua anh minh yêu quý nhân tài đến mức trao cho họ kim bài miễn tử để những quan lại tài hèn đức mỏng, ích kỷ hẹp hòi tiểu nhân không dám đụng đến. Đó chính là chế độ bảo vệ nhân tài của các vị vua xưa kia chứ đâu!
Nhưng cũng có những lo ngại về việc cán bộ sẽ vin vào đổi mới sáng tạo để trục lợi. Vậy cần làm gì để vừa khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, vừa ngăn chặn được những hành vi lợi dụng này, thưa ông?
Cũng có những tình huống lợi dụng chính sách trọng dụng để lập đề án, lập dự toán lấy tiền, tìm kiếm rủi ro để biện minh cho sự thất bại; hoặc bằng những thủ đoạn tinh vi để vun vén cho lợi ích cá nhân, cho dòng họ, gia đình; hoặc lợi dụng để phá hoại.
Vì vậy, trong dự thảo cần nhận diện được các trường hợp đó để ngăn ngừa. Nhóm này cũng phải trừng trị thích đáng để răn đe.
Thực tế cho thấy, các đề xuất, ý tưởng sáng tạo luôn có sự rủi ro. Với Nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, liệu có vượt qua được các quy định trách nhiệm mà các luật hiện hành đang áp dụng không?
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trả lời trên báo chí rằng, những người dám nghĩ, dám làm sẽ được miễn kỷ luật. Tôi thấy đây là chính sách phù hợp để khuyến khích trọng dụng người dám nghĩ, dám làm.
Người thực tâm, làm đúng với mục đích, nội dung, kết quả mà đầu ra cuối cùng lại gặp rủi ro ngoài ý muốn, bất khả kháng thì đương nhiên họ phải được miễn trách nhiệm, kỷ luật. Đã khuyến khích người ta làm, đến lúc có rủi ro khách quan ngoài ý muốn thì sao lại kỷ luật được?!
Nếu Nghị định được thông qua, ban hành và có hiệu lực thì theo ông, với nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm đã bị xử lý rồi, có nên hồi tố cho họ không?
Tôi nghĩ những người dám nghĩ, dám làm rất xứng đáng được hồi tố để thể hiện chính sách chí thành của Đảng và Nhà nước trong thu hút trọng dụng nhân tài.
Đó là cách thừa nhận rằng, trước đây có lúc chúng ta “mưa chưa thấu, nhìn chưa khắp” khiến những người thực tâm dám làm nhưng chưa được bảo vệ, bị trù dập và thất bại không do lỗi chủ quan của họ. Vì thế cần hồi tố không thời hạn.
Cám ơn ông!
Sáng kiến đột phá gặp rủi ro được miễn kỷ luật
Ngày 28/3, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến 21 tỉnh, thành phía Nam về dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Nghị định này nhằm thể chế hóa chủ trương tại Kết luận 14 của Bộ Chính trị nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ có ý tưởng mới mà chưa có quy định hoặc có nhưng không phù hợp với thực tiễn. Bộ Nội vụ đề xuất người có sáng kiến đột phá nhưng không đạt, chỉ đạt một phần mục tiêu hoặc gặp rủi ro được xem xét miễn kỷ luật.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức hai hội thảo chuyên đề, lấy ý kiến của 28 tỉnh phía Bắc và 14 địa phương miền Trung. Tiếp theo, cơ quan này sẽ lấy ý kiến Bộ, ngành, cơ quan tư pháp, Bộ Công an, và Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính Trung ương. Dự kiến, dự thảo nghị định sẽ được Bộ Nội vụ trình Chính phủ đầu quý II tới.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: “Nghị định này rất khó, nhưng khó mấy cũng phải làm”. Tuy nhiên, vì chưa có tiền lệ nên không quá cầu toàn, mà có thể để thực tiễn chứng minh, hoàn thiện dần. Nếu cần thiết, sau này có thể nâng Nghị định lên mức độ văn bản pháp quy cao hơn, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận