Doanh nghiệp bán lẻ khốn đốn vì bị khống chế giá, chiết khấu
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây, ví dụ như vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu; thời gian điều hành; dự trữ xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý…
Tuy nhiên, những biến động của thị trường xăng dầu những năm qua mang tính chất dị biệt, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó… "Do đó ta phải tư duy về các công cụ quản lý nhà nước nên can thiệp đến đâu? Tư duy về quan hệ cung cầu, về quy luật cạnh tranh; vừa đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước vừa góp phần kiểm soát giá cả, lạm phát; Đồng thời làm sao để thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đó là những mốc ta cần xem lại cách điều hành và sửa nghị định", ông Đông đặt vấn đề.
Tuy nhiên, bên cạnh biến động mang tính chất dị biệt theo thị trường thế giới như nhận định của Vụ trưởng Trần Duy Đông, các doanh nghiệp, chuyên gia chung nhận định: Tình trạng bất ổn của thị trường xăng dầu trong nước vừa qua (nhiều cửa hàng đóng cửa, bán nhỏ giọt, gây xáo trộn thị trường, đời sống người dân...), còn có nguyên nhân từ những vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như một số hạn chế trong công tác quản lý, điều hành thị trường này.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, đại diện doanh nghiệp xăng dầu tại Lâm Đồng, nhấn mạnh, sự chậm trễ trong việc điều chỉnh giá bán lẻ khiến doanh nghiệp vẫn phải bán dù lỗ vốn. Đây là bất cập lý giải tại sao nhiều cây xăng tìm lý do để đóng cửa, hoặc bán nhỏ giọt để tránh bị cơ quan chức năng xử phạt trong thời gian qua.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Trung Dũng, CEO Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng, quy định áp giá trần của nhà nước, cũng như việc không có mức chiết khấu cụ thể làm cho đơn vị kinh doanh khốn đốn.
Việc trích lập Quỹ bình ổn giá cho đến nay không còn phát huy tác dụng. Thậm chí, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh còn cho rằng, đây là quỹ “bất ổn” chứ không phải là bình ổn như mong muốn của cơ quan chức năng. Có những lúc, Quỹ bình ổn phát huy tác dụng, song về cơ bản không theo kịp hơi thở của thị trường.
Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ bức xúc vì chiết khấu quá thấp, không đảm bảo chi phí, doanh nghiệp đầu mối biện bạch bản thân họ cũng khó khăn, thua lỗ nên không có điều kiện để tăng chiết khấu
Bộ Công thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Một số quy định được tập trung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo như: Công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành/công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu…
Doanh nghiệp đầu mối: Không có lãi để tăng chiết khấu?
Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ bức xúc cho rằng "chính sách hiện nay dẫn đến tình trạng thương nhân đầu mối lãi khủng, doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng", các doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex hay Sài Gòn Petro lại phản hồi ngược lại.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho rằng, chưa bao giờ như giai đoạn tháng 7 - 8/2022 vừa qua, khi tình trạng lỗ đến mức doanh nghiệp suy sụp; phải tham gia gánh toàn bộ thị trường khi nhiều doanh nghiệp không thực hiện việc nhập khẩu.
"Nhiều khi cũng lỗ quá trời mà không dám nói. Tôi rất chia sẻ với doanh nghiệp bán lẻ khi thời gian qua khó khăn và mong muốn chiết khấu cao hơn. Thế nhưng chúng tôi phải có lãi thì mới chia được, bản thân chúng tôi cũng lỗ”, ông Thoại giãi bày.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng Ban Chính sách Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex bày tỏ "rất thông cảm với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về mức chiết khấu", nhưng quy định dự trữ 20 ngày đối với các doanh nghiệp đầu mối là vướng mắc không nhỏ. Không chỉ có vậy, không phải lúc nào doanh nghiệp đầu mối cũng có lãi để chiết khấu.
Hủy quy định giá trần, bỏ quỹ bình ổn?
Trước đề xuất quay lại thay đổi điều chỉnh giá 7 ngày hay 15 ngày, ông Nguyễn Hồng Nam cho rằng không quan trọng bằng việc chu kỳ điều hành giá phải bao hàm được quy định dự trữ tồn kho của doanh nghiệp. "Ngày xưa, có những lúc căng thẳng nguồn, chỉ có một vài thời điểm, một vài đầu mối gặp sự cố, nhưng giờ thì tất cả đầu mối đều bị ảnh hưởng, thua lỗ", Trưởng ban Chính sách Petrolimex nói.
Về chi phí, đại diện Petrolimex cho hay, việc nhập khẩu xăng dầu về tốn rất nhiều thời gian công sức: Đưa tàu sang mất 15 ngày mới đưa hàng về, đó là trong điều kiện thuận lợi. Mỗi tháng, tập đoàn nhập khoảng 100 tàu, 1 tàu giá trị mấy chục triệu USD, nếu gặp phải sự cố thì càng khó khăn hơn.
Bởi vậy, ông Nam đề xuất: "Nếu cho đại lý một mức chiết khấu ổn định, thì cũng cần đảm bảo cho thương nhân phân phối, đầu mối một phần chiết khấu cố định thì chúng tôi mới chia sẻ lại cho họ".
Không ngần ngại chỉ ra vai trò quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng dẫn đến sự khan hiếm xăng dầu như vừa qua, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, Nhà nước nên tính toán huỷ quy định áp trần giá, bỏ quỹ bình ổn để xăng dầu thuận theo giá thị trường. Giải pháp khác được vị chuyên gia này nêu ra là muốn ổn định thì nhà nước phải rà soát các quy định, điều gì dẫn đến hạn chế cạnh tranh thì phải bỏ.
Ngoài ra, ông Cung cho rằng, nhà nước phải xây dựng kho dự trữ xăng dầu đủ lớn thì mới chủ động ổn định thị trường. Những đề xuất của chuyên gia này nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt trong khán trường.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI, cho biết: Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các giải pháp từ đó đề xuất lên cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường xăng dầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận