Thị trường

Nên kiểm toán chi phí, giá thành nước sạch sông Đuống

13/11/2019, 18:16

Chuyên gia giá cả Ngô Trí Long cho rằng kiểm toán cần vào cuộc để làm rõ chi phí, giá thành nước sạch sông Đuống.

img
Chuyên gia giá cả Ngô Trí Long cho rằng kiểm toán cần vào cuộc để làm rõ chi phí, giá thành nước sạch sông Đuống. Ảnh: Mạnh Thắng

Đừng bắt người mua gánh giá cao do chi phí lãi vay cao

Trong cuộc họp báo chiều qua (12/11), đại diện TP Hà Nội đã lý giải vì sao lại phê duyệt giá nước mua từ CTCP nước mặt Sông Đuống với giá tạm tính là 10.246 đồng/m3. Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Giá này đã tính đúng, tính đủ theo quy định, gồm chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%...

Cuối 2018, CTCP nước mặt Sông Đuống có cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH MTV quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (58%), VIAC (No. 1) Limited Partnership (Singapore) 27%, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội 10%, Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch 5%.

Chi phí quản lý: Năm 2017 hơn 5,5 tỷ đồng, năm 2018 hơn 5,1 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: Năm 2017 lỗ 10,1 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 16,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là chi phí lãi vay 20% được tính và phân bổ vào giá bán nước. Điều này đã làm giá thành đội lên rất cao.

Theo chuyên gia giá cả Ngô Trí Long, doanh nghiệp vay vốn phân bổ chi phí lãi vay vào giá thành sản phẩm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp chi phí đi vay quá lớn làm đội giá thành sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Nếu có nhiều sự lựa chọn, người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước những sản phẩm giá cao do phải gánh thêm chi phí lãi vay ngân hàng.

Ông Long cũng cho biết: Nước là mặt hàng thiết yếu, có sự kiểm soát của nhà nước. Do đó, cần phải lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, trong đó có năng lực tài chính; Đừng vì không có vốn, phải đi vay với lãi cao, đẩy giá thành cao rồi bắt người mua phải gánh.

Theo báo cáo tài chính của CTCP nước mặt Sông Đuống, tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đầu tư là 4.998 tỷ đồng, trong đó vốn góp thực để thực hiện dự án là 999,6 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư), còn lại là vốn vay 3.9998,4 tỷ đồng từ ngân hàng thương mại và được huy động theo thời gian thực hiện dự án.

Cũng theo báo cáo, đến cuối năm 2018, Công ty đã vay nợ hơn 2.483 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Cần kiểm toán xem chi phí hợp lý chưa

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đặt vấn đề: Hà Nội phải trả lời rõ cho dư luận về những căn cứ để đưa ra mức giá tối đa 10.246 đồng/m3. Bởi khi thông tin không đầy đủ sẽ không thuyết phục được người dân – người bị buộc phải mua nước theo sự lựa chọn của TP Hà Nội. Trong khi đó, nước của nhà máy Sông Đà chỉ có giá hơn 7.000 đồng/m3 mà đã có lãi.

Xoay quanh chuyện giá nước Sở Tài chính Hà Nội đưa ra không thuyết phục, chỉ đưa lý lẽ chung chung. Đầu tư chỉ có 20%, còn vay 80% với lãi suất rất bất hợp lý.

Những lý lẽ bà giám đốc Công ty nước mặt Sông Đuống nói có tính chất bao biện. Giám đốc Sở tài chính nói như thế cũng không xuôi tai

Chuyên gia Ngô Trí Long

Chuyên gia Ngô Trí Long thông tin: “So với toàn quốc, giá nước tại Hà Nội cao nhất, lợi nhuận thu được từ nước tại Hà Nội cũng cao hơn TPHCM và các địa phương khác”.

Ông Long cho rằng, điều đó là vì độc quyền. Cho nên trong quá trình đầu tư phải xem xét tại mỗi khu vực. Bên cạnh đó, không phải chỉ định mà phải đấu thầu.

Trong cuộc họp báo chiều 12/11, Hà Nội mới chỉ thông tin và lý giải quanh câu chuyện giá nước tối đa 10.246 đồng/m3và hiệp thương còn hơn 7.000 đồng/m3. Còn lại câu chuyện về việc vì sao lựa chọn nhà đầu tư này lại không được nhắc đến. Việc lựa chọn có quan đấu thầu hay chỉ định thầu cũng không được thông tin công khai.

Nói về suất đầu tư, đại diện TP Hà Nội nói do quy mô đầu tư cao, suất đầu tư cao nên tác động tới giá thành. Nhưng ông Long không đồng tình khi cho rằng, quy mô lớn là một lợi thế và khi quy mô lớn, công suất lớn, sản lượng lớn thì giá thành phải giảm.

Đại diện TP Hà Nội cũng chỉ đưa ra con số tổng tài sản đầu tư của hai dự án Sông Đà và Sông Đuống lần lượt là 1.555 tỷ đồng và 4.498 tỷ đồng nhưng không đưa ra con số suất đầu tư cụ thể. Hơn nữa, hai nhà máy được đầu tư ở hai thời điểm khác nhau cách đến 10 năm, việc mang con số toán học đơn thuần ra so sánh cũng không được hợp lý bởi công nghệ, trình độ quản trị… đều đã thay đổi rất nhiều. Đáng lý, dự án sau càng phải đầu tư thông minh và hiệu quả hơn những dự án trước.

Riêng về số vốn đầu tư và quy mô… và trên những dữ liệu có được, ông Long cho rằng suất đầu tư tại nhà máy nước sông Đuống là cao so với bình quân chung.

Việc lãnh đạo CTCP nước mặt Sông Đuống nói đầu tư máy móc, đường ống… với chi phí cao, ông Long cho rằng giá mua thiết bị máy móc, vật tư… hợp lý chưa phải có kiểm toán, thậm chí, có thể để thanh tra vào cuộc để làm rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.