Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư đặt vấn đề có nước nào như ở ta là mỗi cơ quan chủ quản đều có cơ quan báo chí? Đây là nguyên nhân dẫn tới có quá nhiều cơ quan báo chí, vừa lãng phí vừa dẫn tới những tiêu cực của báo chí, vì khi thành lập nhưng cơ quan chủ quản không lo được tài chính cho cơ quan báo chí. Luật lần này cần có nghiên cứu để đưa ra những quy định về vấn đề tài chính đối với cơ quan báo chí.
Theo ông Tuấn, Luật Báo chí được ban hành từ năm 1999, khi đó tư duy theo hướng báo chí bao cấp. Nay báo chí đã có những phát triển vượt bậc, phần lớn cơ quan báo chí đã tự chủ tài chính nên cần phải nghiên cứu sửa đổi tổng thể. Một tờ báo giấy phát hành vài vạn bản ở ta đã là lớn, nhưng có khi một bài trên facebook, blog có cả vạn người đọc. Chưa kể các hình thức truyền thông mới ngày càng phát triển. Vì vậy nên suy nghĩ sửa Luật Báo chí hay làm luôn luật truyền thông thay thế.
Theo Bộ Thông tin truyền thông, hiện cả nước có 838 cơ quan báo chí in, 90 cơ quan báo chí điện tử và 67 đài phát thanh, truyền hình. Đội ngũ nhân lực làm việc tại cơ quan báo chí khoảng gần 40.000 người, trong đó có gần 18.000 người được cấp thẻ nhà báo |
"Trước đây từng đề cập đến lập tập đoàn báo chí, nhưng lại chưa làm được. Đây là xu hướng tất yếu của thế giới, vì thế nên có quy định về tập đoàn báo chí và cơ quan báo chí đa phương tiện. Hiện tình trạng ăn cắp bản quyền tràn lan, luật làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này", ông Tuấn nói đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số TBT vào ban soạn thảo, vì họ chính là người chịu sự điều chỉnh của luật.
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhid đồng của QH, công bố một số thông tin về kết quả giám sát của Uỷ ban. Báo cáo này chỉ ra nhiều bất cập hiện nay như: tình trạng thương mại hoá báo chí gia tăng, những vi phạm đời tư cá nhân, tình trạng trùng lắp thông tin diễn ra phổ biến... Đáng lưu ý, tình trạng tư nhân đầu tư chui, núp bóng tại nhiều tờ báo đang tồn tại. Bên cạnh đó, tình trạng thực thi pháp luật về báo chí của các cơ quan, tổ chức chưa nghiêm, dẫn tới nhiều nhà báo bị hành hung khi đi tác nghiệp, tình trạng không cung cấp thông tin cho báo chí diễn ra phổ biến.
Từ thực tế này, báo cáo cho rằng Luật báo chí sửa đổi lần này cần phải điều chỉnh thế nào với blog cá nhân, trang tin điện tử. Vì hiện chưa điều chỉnh trong Luật báo chí. Luật cũng cần có quy định riêng với từng loại hình báo chí. Có quy định về truyền dẫn phát sóng, các đài chỉ nên sản xuất nội dung, còn việc truyền dẫn phát sóng có thể để bộ phận khác.
Theo ông Tiến, nên có quy định riêng về thuế với báo chí. Báo nào phục vụ nhiệm vụ chính trị thì thuế giảm tối đa, còn với những báo phục vụ giải trí thì thuế phải khác, đồng thời có cơ chế tài chính hỗ trợ cho các báo làm nhiệm vụ chính trị. Hiện mới chỉ có báo in được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, còn những loại hình khác thì vẫn cao.
Nhiều đề xuất đổi mới các quy định đối với báo chí được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí sáng 12/11 |
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá những năm qua báo chí nước nhà đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, thông tin đã đến với mọi ngõ ngách của cuộc sống và vươn ra toàn thế giới. Trong quá trình phát triển, phát sinh cả cái tốt và cái chưa tốt, đó là việc bình thường. Những cái chưa được có cái là do bất cập của luật, có cái chưa chắc đã do luật.
"15 năm trước khi làm luật không ai có thể tưởng tượng được ở bên này bán cầu có thể trò chuyện và nhìn thấy hình của người ở bên kia bán cầu. Vậy nay chúng ta sửa luật thì lường hoá những vấn đề phát triển của truyền thông thế giới thế nào. Rồi những vấn đề như báo chí hợp tác với doanh nghiệp như thế nào, vì như Đài truyền hình VN cũng có công ty liên doanh, hợp tác sản xuất chương trình... Đây là một thực tế, vậy luật điều chỉnh thế nào?", ông Đam nói đồng thời đề nghị chính các cơ quan báo chí cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc góp ý sửa luật, để khi luật được trình QH có chất lượng tốt nhất.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son, khẳng định việc sửa luật lần này nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, nhạy cảm (chỉ riêng việc quy hoạch báo chí được đặt ra từ năm 2006 nhưng nay mới trình Bộ Chính trị và sẽ trình Trung ương tại kỳ họp tới đây), nên rất cần sự góp ý của các cơ quan báo chí.
N.Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận