Thời điểm hợp lý
Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Kết luận 126 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm hợp lý để sáp nhập một số tỉnh (ảnh minh họa).
Trong đó, một nội dung rất được quan tâm là việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trao đổi với Báo Giao thông, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc bày tỏ đồng tình với chủ trương trên.
"Đại hội IV năm 1976 đã đưa ra chủ trương thực hiện sáp nhập trên quy mô lớn, kỳ vọng đưa đất nước đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thời điểm đó, chúng ta sáp nhập các tỉnh như Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Bình Trị Thiên…
Song, sau một thời gian, mục tiêu đặt ra không đạt vì hoàn cảnh đất nước lúc đó vừa bước qua chiến tranh, đội ngũ lãnh đạo chưa được đào tạo đến nơi đến chốn về quản lý, phương tiện thông tin liên lạc còn kém, hạ tầng chưa tốt nên càng làm, năng suất càng giảm, lạm phát tăng, có lúc lên 174%.
Đến Đại hội VI, Đảng đã xem xét và đánh giá chủ trương đó là chủ quan, nóng vội, duy ý chí dẫn đến bảo thủ, trì trệ", ông Túc chia sẻ.
Theo ông, đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đã khác. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn, có thể nói rằng, chưa bao giờ đất nước ta có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Tiềm lực kinh tế của chúng ta đã lớn mạnh hơn, đội ngũ cán bộ đã được đào tạo đến nơi đến chốn về quản lý. Một bộ phận không nhỏ được đào tạo ở nước ngoài bao gồm những nơi có nền kinh tế thị trường.
"Quan trọng nhất, hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ đã phát triển, việc nắm bắt tình hình không như trước nữa. Một sự việc xảy ra có thể nắm bắt được ngay nên chủ trương Trung ương đưa ra để xem xét hợp nhất các tỉnh là hợp thời, sát với thực tế", ông Túc nhìn nhận.
Có nên sáp nhập theo vùng?
Tuy nhiên, ông Túc cũng cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến quyền, lợi ích của mỗi cá nhân nên đặt ra thách thức lớn về vấn đề nhân sự, tác động không nhỏ đến tâm tư nguyện vọng.
"Đơn cử, nếu sáp nhập 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình sẽ đặt ra vấn đề ai làm bí thư, chủ tịch tỉnh. Chọn nhân sự không đơn giản", ông Túc nói và cho rằng, cần tổng kết những bài học, kinh nghiệm từ những lần sáp nhập trước, cần thiết có thể làm thí điểm. Việc sáp nhập phải đảm bảo bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả chứ không phải chỉ đạt được mục tiêu tinh gọn.
"Về phương án sáp nhập, hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy nên đưa ra một vài phương án lấy ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, cũng cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, từ đó có được phương án tốt nhất", ông Túc góp ý.
Trong khi đó, ĐBQH Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam nêu quan điểm: Việc liên kết vùng hiện nay chưa hiệu quả và cả nước không cần tới 63 tỉnh, thành.
Vì vậy, nếu tiến hành sáp nhập, có thể chia thành 7 vùng, cùng với một số thành phố lớn, khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương. Khi sáp nhập, không nên căn cứ vào dân số, diện tích mà căn cứ vào các yếu tố bên trong, tạo động lực phát triển để hình thành các vùng. Bởi nếu tính theo diện tích, dân số lại thành cào bằng.
"Khi còn làm Thường vụ Trung ương Đoàn, phụ trách khu vực Tây Nguyên, tôi đã nêu quan điểm chỉ cần 1 tỉnh thay vì nhiều tỉnh. Và khi sáp nhập, chính quyền vùng phải phát huy tốt nhất lợi thế về nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch…", ông Kim chia sẻ.
Cho rằng nếu không còn 63 tỉnh thành thì việc cơ cấu Ủy viên Trung ương, bố trí lãnh đạo cũng phải khác, ông Kim bày tỏ: "Nếu sáp nhập tỉnh, thành số Ủy viên Trung ương đương nhiên phải giảm, đây là việc cần thiết.
Tùy việc để phân công, có thể bố trí cán bộ lãnh đạo theo địa bàn, một vùng có thể có 2 - 3 Ủy viên Trung ương. Ngoài ra, nên bố trí các Ủy viên Trung ương theo ngành, lĩnh vực. Vừa qua, chúng ta đặt nặng việc bố trí theo đơn vị hành chính mà bỏ qua cơ cấu ngành nghề, kết cấu của xã hội"?
Đơn vị cấp tỉnh khoảng bao nhiêu là phù hợp?
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, ông đã có ý kiến về vấn đề này cách đây 5 - 6 năm. Bởi theo ông với dân số hơn 100 triệu người nhưng có đến 63 tỉnh, thành phố là quá nhiều. Hiện nay, có tỉnh chỉ có hơn 300.000 người là quá ít so với các tỉnh thành có hàng triệu dân.
Hơn nữa, vừa qua việc sáp nhập các bộ, ban, ngành nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây chính là tiền đề quan trọng đến hướng tới việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Góp ý về phương án sáp nhập, ông Hòa nhấn mạnh, phải nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cụ thể. Bên cạnh quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cần đưa ra tiêu chí về văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng, vị trí địa chính trị, văn hóa của cộng đồng dân cư… nhằm đảm bảo sự ổn định.
"Có thể đưa số đơn vị cấp tỉnh về khoảng 40 để phù hợp theo tình hình thực tiễn, quy mô kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng. Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá đã phát triển mạnh, thông tin liên lạc đầy đủ, thông suốt, đảm bảo cho việc quản lý địa bàn rộng, dân số đông.
Tôi đề xuất nghiên cứu theo vùng kinh tế như tỉnh công nghiệp, tỉnh nông nghiệp, tỉnh phát triển kinh tế biển, thành phố dịch vụ… phân theo từng vùng, từng lĩnh vực, ngành nghề để thuận lợi cho đầu tư. Ví dụ tại Trung Quốc rất rõ ràng tỉnh nào là du lịch, tỉnh nào là phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ…", ông Hòa cho biết.
Tháng 4/1975 Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh, sau đó trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập tỉnh thành; từ năm 2008 tới nay ổn định với 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh (trong đó có 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Theo nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với tỉnh miền núi, vùng cao quy mô dân số đạt chuẩn 900.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên. Đối với các tỉnh còn lại phải đạt chuẩn quy mô dân số 1,4 triệu người trở lên, diện tích tự nhiên từ 5.000km2 trở lên. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương quy mô dân số đạt chuẩn là 1,5 triệu người trở lên, diện tích tự nhiên đạt 1.500km2 trở lên.
10 tỉnh, thành có diện tích nhỏ nhất cả nước hiện nay gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, Ninh Bình, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, TP Hải Phòng, Thái Bình.
10 tỉnh có dân số ít nhất Việt Nam (theo số liệu tính đến giữa kỳ năm 2024): Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Ninh Thuận, Kon Tum, Điện Biên, Quảng Trị, Đắk Nông, Hậu Giang, Lào Cai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận