Hơn 20 năm trước, từ năm 2003, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm giao thông đường bộ của các tài xế bằng hình thức "bấm lỗ" trên bằng lái. Nếu bằng lái bị đánh dấu 2 lần thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe. Còn nếu bị đánh dấu 3 lần, bằng lái hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp bằng mới.
CSGT Hà Nội lập biên bản lái xe khách vi phạm. Ảnh: Tạ Hải.
Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định nói trên đã bị bãi bỏ. Việc bấm lỗ trên bằng lái được cho là không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái thiếu thẩm mỹ. Cùng đó, việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách "chạy" bằng lái mới.
Nhắc lại để thấy, việc áp dụng biện pháp quản lý ngoài việc xử phạt hành chính đối với các lỗi vi phạm giao thông đã được cơ quan chức năng nghiên cứu từ rất lâu. Có điều, thời điểm đó công nghệ chưa phát triển.
Giờ đây, mọi chuyện có thể thuận lợi hơn rất nhiều khi Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đã có sự liên thông dữ liệu quốc gia về dân cư. Người lái xe được quản lý trên môi trường điện tử thông qua số định danh và căn cước gắn chip, đó là một lợi thế để thực hiện việc trừ điểm bằng lái.
Có thể thấy, đến nay các quy định pháp luật về trật tự ATGT đều đã rất đầy đủ, chế tài cũng đã rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, rất nhiều vụ tai nạn vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính là do nhận thức, ý thức tham gia giao thông của nhiều người vẫn chưa cao.
Việc chấp hành gần như chỉ được thực hiện nghiêm túc khi có sự giám sát của CSGT trên đường hoặc những nơi có camera giám sát. Việc phóng nhanh vượt ẩu, chạy quá tốc độ, uống rượu bia lái xe vẫn khá phổ biến, dù lực lượng chức năng đã xử lý quyết liệt. Ngay trong dịp Tết vừa qua, có tới gần 3 vạn tài xế bị xử lý lỗi nồng độ cồn, đủ thấy số người cố tình vi phạm lớn đến mức nào.
Nhiều người biết sẽ bị giữ xe, phạt nặng, tước bằng nhưng họ vẫn bất chấp. Bởi thế, nếu như có thêm hình thức bổ sung trừ điểm bằng lái, tôi nghĩ chắc chắn sẽ tạo thêm được sự răn đe.
Có ý kiến cho rằng, đã áp dụng hình phạt vật chất rồi thì việc trừ điểm không có ý nghĩa gì ngoài "làm nặng" thêm hình phạt. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần phân biệt, trừ điểm bằng lái là một biện pháp hành chính, bên cạnh chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.
Xét về mức độ, biện pháp quản lý này nghiêm khắc hơn hình thức xử phạt bằng tiền. Đây sẽ là một biện pháp quản lý, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Việc trừ điểm bằng lái xét cho cùng cũng chỉ tốt cho người tham gia giao thông. Bởi họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị treo bằng nếu tái phạm nhiều lần. Như vậy, khi tham gia giao thông, chắc chắn họ sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định hơn so với hiện nay.
Một khi ý thức chưa cao thì vấn đề làm sao nâng cao nhận thức để cải thiện mới là mấu chốt để giải quyết triệt để. Ý thức không tự nhiên mà có, nó chỉ có thể hình thành được khi thực hiện đồng bộ các giải pháp. Và trừ điểm bằng lái là một trong những giải pháp đó.
Nếu không hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đã chẳng áp dụng biện pháp này. Và thực tế, họ đã áp dụng từ rất lâu rồi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận