Sáng 07/10, Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) tổ chức Lễ công nhận Nền tảng số phục vụ người dân cho trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng trao quyết định công nhận Cốc Cốc là Nền tảng số phục vụ người dân
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã chính thức công bố và trao quyết định công nhận Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022.
Nền tảng số phục vụ người dân là chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện với mục tiêu tìm ra những nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp và phục vụ những nhu cầu khác nhau của người dân.
Theo Quyết định này, để trở thành Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022, các sản phẩm công nghệ phải đạt đủ 4 tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra bao gồm: Tư cách pháp nhân và năng lực của tổ chức, doanh nghiệp; chức năng và tính năng của nền tảng số; an toàn, an ninh mạng; tiêu chí khác theo từng tình huống, nền tảng cụ thể.
Trong đó, ưu tiên những nền tảng có thể đáp ứng một số nhóm nhu cầu cơ bản, phổ biến của người dân như thông tin liên lạc, mua sắm, an toàn thông tin mạng...
Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc là một trong số ít những nền tảng Việt đã vượt mọi tiêu chí khắt khe để được công nhận là Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định: “Nền tảng trình duyệt và tìm kiếm là một trong các nền tảng số được coi là hạ tầng “mềm” của hạ tầng số tương đương với các nền tảng cung cấp công nghệ như dịch vụ.
Với 28 triệu người dùng nền tảng Cốc Cốc thì “hạ tầng số” này đã được gần 40% dân số Internet Việt Nam sử dụng để “đi lại”. Riêng Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc thu hút tới 574 triệu lượt truy vấn mỗi tháng.
Tôi mong rằng, Cốc Cốc sẽ tiếp tục trở thành “cánh cổng” kết nối Internet với người dùng Việt, giúp con người Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc hơn bằng cách hỗ trợ họ tận dụng tối đa các tiện ích trên Internet để phục vụ cho cuộc sống và công việc thường ngày”.
Trong khuôn khổ sự kiện, ông Nguyễn Vũ Anh, Tổng giám đốc Cốc Cốc cũng công bố Bộ giải pháp Chuyển đổi số do Cốc Cốc phát triển.
Được biết, Bộ giải pháp của Cốc Cốc được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dùng trên Internet và các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ nêu rõ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030.
Cụ thể, người dùng có thể trải nghiệm Bộ giải pháp này tại website dx.coccoc.com với 4 nhóm chủ đề chính như sau:
1. Chính phủ số: Cung cấp tính năng Chính phủ điện tử, giúp tìm kiếm thông tin về thủ tục hành chính công một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác với nguồn dữ liệu chính thức, được dẫn trực tiếp và cập nhật liên tục từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, thuộc Văn phòng Chính phủ.
2. Giáo dục điện tử: Phát triển kênh tổng hợp thông tin tuyển sinh, công cụ, cụm tính năng và tài liệu hỗ trợ học tập, ôn thi trực tuyến và số hóa công tác quản lý giáo dục tích hợp sẵn trên thanh công cụ của Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, giúp học sinh phổ thông Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 12 tự học mọi lúc, mọi nơi, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
2. An ninh mạng: Nâng cao nhận thức và cung cấp giải pháp bảo vệ người dùng trước các nguy cơ mất an toàn thông tin khi lên mạng với hệ thống bảo mật đa tầng: Chặn quảng cáo độc hại, Cảnh báo trang web nguy hiểm, Xác thực trang web chính chủ.
4. Xã hội số: Xây dựng và phát triển tổ hợp các tính năng tiêu biểu, được “thiết kế” dành riêng cho người Việt như: Lịch âm, Công thức nấu ăn, Cập nhật Covid-19, Bóng đá … nhằm phục vụ các nhu cầu cơ bản và phổ biến khi lên mạng của người Việt.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ, đồng hành với các nền tảng số Make in Vietnam thế nào, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, Bộ sẽ có tiếng nói rõ ràng về mặt công nghệ là nền tảng này có tốt hay không tốt về mặt chuyên môn kỹ thuật; sẽ xác nhận đây có có phải là nền tảng Make in Vietnam hay không. Bên cạnh đó, Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nền tảng số tiếp cận người dân qua tổ công nghệ cộng đồng.
Về những băn khoăn Báo Giao thông đặt ra về bảo vệ bí mật dữ liệu người dùng khi các cơ quan chức năng trực tiếp quảng bá cho các nền tảng công nghệ, Thứ trưởng Bộ TTTT cho rằng đến các nền tảng lớn như Facebook, Google cũng đối mặt các cáo buộc và khiếu nại về vấn đề này nên câu chuyện sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ở Việt Nam, cơ quan quản lý sẽ đưa ra tiêu chí, giám sát thường xuyên có cảnh báo và người dân thì cần có kỹ năng, nhận thức để bảo vệ chính mình.
“Bộ TT&TT sẽ tìm sản phẩm, doanh nghiệp tốt và giúp họ mở rộng thị trường. Khi doanh nghiệp có sản phẩm tốt, Bộ TT&TT có mạng lưới truyền thông cơ sở để truyền thông giúp người dân tiếp cận được, phục vụ đời sống hàng ngày tốt hơn. Tôi cho rằng, không gian mạng là thế giới vô cùng vô tận và là hành trình dài, nên chúng ta phải đi cùng nhau. Vì vậy, Bộ TT&TT tập hợp doanh nghiệp có sản phẩm xuất sắc và có đông người dùng để đi cùng nhau. Đây cũng chính là động thái thúc đẩy doanh nghiệp ý thức với trách nhiệm quốc gia giải các bài toán xã hội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận