Nếu đi hết biển, con người sẽ về lại làng mình, về lại nơi chôn rau cắt rốn của mình, về lại bản nguyên của mình. |
Lần đầu tiên tới biển, ai đó ấn tượng thế nào? Tôi là chú bé con tha thẩn bãi cát tìm nhặt những con ốc đưa về cho cô giáo lớp vỡ lòng làm “giáo cụ trực quan”. Tuổi thơ ấy, với biển, đã thăm thẳm xa. Những con sóng chạy từ nơi đâu chẳng biết cứ nối nhau đổ bờ. Mãi sau này đọc thơ tôi mới biết mình dại khờ. “Nhặt chi con ốc vàng, Sóng đưa vào tận bãi, Những cái gì dễ dãi, Có bao giờ bền lâu” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Nhưng, có lẽ, chẳng ai trong đời không một lần dễ dãi như vậy, khi đứng trước biển, khi ngợp mình và ngập mình trong biển. Chở che. Ôm ấp. Ve vuốt. Choáng ngợp. Sợ hãi. Biển giúp ta thành người hơn trong mọi cảm giác đó.
Có một đêm hè, tại một vùng quê biển sát chân đèo Ngang, tôi được cậu bạn học sinh dẫn ra bãi biển ngủ. Cả làng đó có thói quen buổi tối ra biển hóng gió và ngủ trước biển. Trời cao, trăng sáng, biển êm. Những mơ ước tuổi học trò, tuổi mới lớn, những bài thi vừa xong, những tình cảm xao động chớm nở được giãi bày cùng biển đêm phập phồng. Và tôi đã say giấc trên cát, giữa đất trời ôm bọc trong tiếng ru bí ẩn của biển. Để rồi nửa đêm choàng tỉnh vì cú lay người của bạn, bừng mắt kinh hãi trước một bầu trời đen kịt mây, và tiếng biển gầm gừ. Cơn hoảng hốt ấy trước biển còn bám theo tôi mãi về sau. Biển hiền hòa. Biển dữ dội. Và biển đe dọa.
Mới đây thôi, tôi chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng. Sáng sớm, tại một bãi biển, tôi bước chân đi trên bãi cát ẩm kéo dài ra xa khi thủy triều rút trong đêm. Sóng lăn tăn, gió nhẹ, phương đông hừng sáng. Khoảnh khắc ấy, cơ thể nhẹ nhõm biết bao, phơi phới biết bao, ngỡ như mình tan hòa cùng đất trời trong sự sinh thành và tái tạo vĩnh hằng. Và bất ngờ, trước mắt tôi hiện ra những cô gái đứng bên nhau, quay về phía mặt trời đang nhú, chân bước dầm trong sóng đi lên trước. Họ là những cô gái ở các quán ven bờ. Một nghi lễ tẩy trần? Một sự rũ bỏ cái gì và cầu xin cái gì? Tôi xa xót buồn. Biển khi ấy như không thanh thản nữa.
Nhưng biển muôn đời thì vẫn vậy thôi. Nước lên, nước xuống đưa đẩy khỏa lấp mọi thứ, nhấn chìm mọi thứ dưới một màu xanh thẳm sâu. Chỉ có con người đến bên biển, đứng trước biển, ngập vào biển mới thấm thía bao lẽ nhân tình thế sự. “Chỉ một bước là chân kề mép sóng, Biển và bờ ở giữa chúng ta đi. Bờ có đất có cây, có khói chiều bảng lảng, Biển có thuyền, có bão, có chia ly” (Xuân Hoàng). Cuộc đời là biển đấy, luôn luôn ở những trạng thái đối cực lưỡng phân. Con người cũng như biển vậy, luôn xáo động và vật vã, trên bề mặt và dưới bề sâu, nhất là dưới bề sâu.
Mỗi mùa hè bao người lại đổ xô đến biển, vồ vập biển, quằn quại biển. Biển bao dung và độ lượng. Biển vô tư và hồn nhiên. Biển mặn. Con người đi nghỉ mát, tắm biển không vơi được cái nóng, cái khát bao giờ. Lắm lúc nhìn cả bãi biển đông nghẹt người thấy thương cho biển như bị vầy vò, quăng quật và… hành hình. Chỉ trong đêm khuya, sáng sớm biển mới có thể lại tinh khôi, thanh sạch.
Biết nói gì trước biển em ơi? Khi con người đến biển chỉ để quăng cái xác phàm xuống nước, chỉ để khoái khẩu với các món hải sản, mà tự lúc nào đã không còn run rẩy với bí ẩn: Biển rộng thế, có bao giờ đi hết, và nếu đi hết biển thì đến đâu? Đến biển lần đầu, câu hỏi này sẽ vụt nảy trong em. Rồi em sẽ còn trăn trở mãi vì nó. Đó là câu hỏi cuộc đời đấy em.
Nếu đi hết biển? Một nhà đạo diễn điện ảnh nước ta sang nửa vòng trái đất bên kia về nhà đã viết một cuốn sách mang câu hỏi này. Nếu đi hết biển, qua các đại dương, châu lục, con người sẽ về lại làng mình, về lại nơi chôn rau cắt rốn của mình, về lại bản nguyên của mình. Về lại tuổi thơ của mình. Biển là ông già và đứa trẻ. Biển già dặn và ngây thơ. Biển khôn và dại. Biển mặn như muối và nước mắt. Nếu đi hết biển? Ở những bờ biển khắp nước mình, ở Côte d’Azur bên bờ Địa Trung Hải miền Nam nước Pháp, ở vịnh Tokyo, tôi đã nghe câu hỏi này. Và cũng như nhà đạo diễn kia, tôi đã tự hỏi câu này, khi gặp những người Việt xa xứ trên những bãi bờ thế giới.
Tôi những mong biển sạch cho mắt em nhìn thấu bờ bên kia để trở về mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận