Là một bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) Nghị định thư Kyoto, trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, thực hiện các chương trình dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) và đã bước đầu áp dụng khung minh bạch theo quy định của UNFCCC và Nghị định Kyoto.
Tuy nhiên, "hiện nay việc kiểm kê mới chỉ thực hiện từ cấp quốc gia. Với yêu cầu tại thỏa thuận Paris, chúng ta phải kiểm đếm từ cấp cơ sở” - ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Do đó, theo ông Tấn, cần phải thúc đẩy một dự án nâng cao năng lực kiểm kê khí nhà kính cho các doanh nghiệp và các bên liên quan.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu
Còn theo bà Bùi Việt Hiền - chuyên gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), khi việc kiểm kê chính xác và minh bạch, Việt Nam có thể tiếp cận được với các quỹ tài chính xanh.
“Để nhận được tài chính cho biến đổi khí hậu, các quốc gia sẽ phải có những yêu cầu đồng bộ và công bằng. Đặc biệt gần đây Việt Nam tham gia vào Liên minh về chuyển dịch năng lượng toàn cầu với nhóm G7, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp nhận nguồn vốn đầu tiên là 15,5 tỷ USD trong vòng từ 3-5 năm tới” - bà Bùi Việt Hiền chia sẻ.
Nhằm nâng cao, khả năng kiểm kê chính xác và minh bạch khí nhà kính, mới đây, 21/12, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu Khung minh bạch tăng cường (CBIT) của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP đã được xây dựng và trình phê duyệt nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách nêu trên.
Mục tiêu của Dự án là giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp yêu cầu của Khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris.
“Dự án này sẽ giúp chúng tôi là có thể triển khai nâng cao năng lực cho các cơ sở phải thực hiện kiểm kê, đặc biệt là hơn 1000 cơ sở đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 01/2022 ngày 18/1/2022 Danh mục các lĩnh vực cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính” - ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Giám đốc quốc gia Dự án CBIT cho biết.
Đại diện các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tham gia dự án
Dự án được thiết kế theo ba hợp phần: Tăng cường năng lực thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Tăng cường hệ thống quốc gia để theo dõi dòng tài chính cho biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế; Chia sẻ kết quả dự án ở cấp quốc gia và cấp quốc tế.
Dự án có sự tham gia của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành, các bên có liên quan, do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ và được thực hiện trong 4 năm (2022 – 2026).
Ông Patrick Haverman nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai, “dự án CBIT nên tiếp tục cập nhật các hướng dẫn với việc thu thập dữ liệu một cách hệ thống để cung cấp tài chính cho các hoạt động giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thể chế hóa các hướng dẫn và công cụ minh bạch tài chính khí hậu này là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam đảm bảo nguồn tài chính khí hậu dài hạn và có thể dự đoán được để thực hiện NDC (Cam kết do quốc gia tự quyết định), đặc biệt là từ các nguồn vốn quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng vì Việt Nam cần ít nhất 15-30 tỷ đô la Mỹ hàng năm để thực hiện phát thải ròng bằng không vào năm 2050”.
Việt Nam là nước thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia, tham gia Thỏa thuận JETP (Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng) với Nhóm đối tác quốc tế (IPG) G7+ .
Việt Nam dự kiến sẽ nhận được 15.5 tỷ đô la hỗ trợ chương trình chuyển dịch xanh, đẩy nhanh thực hiện các cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận