Thời sự Quốc tế

New York chi hàng triệu USD dẹp “hung thần tốc độ”

04/06/2022, 06:30

Tại khu vực Đông New York, Mỹ thời gian gần đây bất ngờ xuất hiện áp phích kích thước lớn, thu hút sự chú ý người đi đường.

Nổi bật trên áp phích là hình ảnh người đi bộ bị ô tô đâm, cốc cà phê trên tay đổ tung... đi kèm dòng chữ “Chạy tốc độ cao sẽ hủy hoại cuộc đời một con người!”; “Hãy giảm tốc!”.

Những tấm áp phích ngoài trời như vậy là một phần trong chiến dịch nâng cao nhận thức, ngăn chặn những “hung thần tốc độ” trên đường phố khi tỉ lệ người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại thành phố hoa lệ này tăng lên mức cao nhất trong 8 năm qua.

Tình trạng vượt tốc độ tăng vọt trong đại dịch

Trong thời gian phải đối phó với đại dịch Covid-19, thành phố New York nổi lên “cuộc khủng hoảng” lái xe vượt tốc độ, cẩu thả.

Theo các chuyên gia giao thông, nguyên nhân là vì một số lái xe lợi dụng đường vắng, thiếu các lực lượng thực thi pháp luật để phóng ẩu. Hơn nữa, số lượng ô tô tại thành phố cũng tăng cao khi ngày càng nhiều người tránh sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus.

img

Áp phích tuyên truyền được treo ở một ngã tư đông đúc ở New York

Tại thành phố New York, tính đến hết tháng 4/2022, số người thiệt mạng vì TNGT đã tăng từ 61 lên 64 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, chỉ ¼ trong số 64 người thiệt mạng trong năm nay là trên đường cao tốc, còn lại phần lớn là trên đường nội đô.

Ông William Candelario, 64 tuổi, chủ sở hữu một cửa hàng sửa chữa ô tô trong khu dân cư và từng bị một chiếc xe van đâm trúng năm ngoái phải thốt lên: “Tình trạng này đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Ô tô thường xuyên chạy tốc độ rất cao”.

Cô Laura Remigio, 35 tuổi, một nhà tạo mẫu và chuyên gia trang điểm, nhớ lại cô suýt bị một chiếc ô tô đâm phải trong khi đi bộ tới địa điểm khách hẹn tại Đông New York. Người tham gia giao thông tại đây di chuyển rất nhanh, đi cắt ngang qua người đi bộ, không ai chịu đi chậm lại, nhường đường cho người đi bộ.

Thực trạng gia tăng tai nạn giao thông hiện nay tác động mạnh tới những thành quả từ chính sách giao thông được công bố cách đây 8 năm của thành phố mang tên “Vision Zero” (Tầm nhìn không người thiệt mạng vì TNGT) và từng được coi là hình mẫu quốc gia.

Theo chính sách Vision Zero, chính quyền thành phố đã được bang New York phê chuẩn cho phép hạ giới hạn tốc độ từ 30 dặm/h (khoảng 50km/h) xuống còn 25 dặm/h (khoảng 40km/h) trên hầu hết tuyến đường, xây dựng mạng lưới camera giám sát tốc độ với gần 2.000 chiếc, thiết kế lại nhiều tuyến đường để thân thiện hơn với người đi bộ và người đi xe đạp.

Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông

Để giải quyết tình trạng này, tháng 5 vừa rồi, Ủy viên Hội đồng Giao thông thành phố New York, ông Ydanis Rodríguez công bố chiến dịch an toàn giao thông được thực hiện tại hơn 30 khu dân cư, trong đó có khu Đông New York, nơi tỉ lệ người thương vong vì tai nạn giao thông cao nhất trong thành phố.

“Chiến dịch này sẽ kéo dài 2 tháng, được thực hiện trên quy mô chưa có tiền lệ, ở nhiều cộng đồng dân cư hơn, được chuyển tải bằng 9 ngôn ngữ”, ông Rodríguez nói thêm.

Chiến dịch bao gồm hoạt động treo 18 áp phích ngoài trời quy mô lớn dọc các tuyến đường cao tốc, các đoạn đường nội đô hay xảy ra tai nạn, dán poster (áp phích) ở đằng sau xe bus, tại máy bơm ở các trạm xăng.

img

Tỉ lệ tử vong vì TNGT tại New York tăng vọt

Giới chức địa phương lựa chọn các khu vực để treo biển cảnh báo dựa trên dữ liệu về tai nạn giao thông tại các khu vực đó.

Tại khu vực Đông New York, áp phích truyền thông về tai nạn giao thông được treo ở giao lộ nơi từng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn khiến 167 người, bao gồm 154 người sử dụng xe cơ giới bị thương trong thời gian từ năm 2015 - 2019.

Ngoài việc treo áp phích, công chức thành phố sẽ trực tiếp xuống đường, phát tờ rơi để nâng cao nhận thức về tai nạn giao thông cho người dân.

Chiến dịch truyền thông còn bao gồm truyền thông trên truyền hình với những thước hình quay chậm cảnh người đi bộ hoặc người đi xe đạp bị hất văng vì các “hung thần xa lộ”. Đồng thời, giới chức New York cũng sử dụng mạng xã hội, nghiên cứu thói quen tìm kiếm của các lái xe trên mạng xã hội để chạy truyền thông cũng như quảng cáo trên một số ấn phẩm.

Theo New York Times, chiến dịch truyền thông và treo áp phích quy mô lớn kể trên có chi phí tới 4 triệu USD, để thay đổi hành vi lái xe.

Trên quy mô lớn hơn, Thị trưởng New York – Eric Adams, vừa nhậm chức đầu năm nay, đã cam kết sẽ tăng cường nỗ lực vì mục tiêu Vision Zero.

Gần đây, ông đã cam kết sẽ phân bổ 904 triệu USD cho tầm nhìn Vision Zero của thành phố trong 5 năm tới, phục vụ cho các hoạt động như điều chỉnh lại các giao lộ nguy hiểm, đưa thêm một số làn xe được bảo vệ kỹ hơn dành cho người đi xe đạp và người đi bộ. Đồng thời, lực lượng cảnh sát thành phố sẽ tăng cường thực thi luật giao thông địa phương.

Bên cạnh chiến dịch truyền thông, giới chức thành phố New Yorrk đang vận động các nghị sĩ bang để trao quyền cho từng chính quyền khu vực tự kiểm soát đường phố tại khu vực của mình, cho phép họ tự đặt giới hạn tốc độ, tăng số lượng camera giám sát, tăng thời gian camera giám sát tốc độ tại khu vực trường học vào ban đêm và cuối tuần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.