Tuy nhiên, luật này có thể thay đổi sau vụ xả súng đẫm máu tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở TP Christchurch, khiến 50 người thiệt mạng.
Kẽ hở cho kẻ cuồng sát
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 16/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết nghi phạm Brenton Tarrant có giấy phép sử dụng súng loại A và sở hữu 5 khẩu súng một cách hợp pháp (bao gồm 2 súng trường tấn công bán tự động, 2 súng ngắn và 1 khẩu súng săn) khi thực hiện vụ tấn công khủng bố chiều ngày 15/3.
“Tôi có thể tuyên bố ngay bây giờ rằng, luật pháp quản lý súng đạn của đất nước sẽ phải thay đổi. Cấm súng bán tự động chắc chắn là một trong những vấn đề mà tôi đang theo đuổi”. Tuyên bố này của bà Ardern đã gián tiếp thừa nhận thực tế rằng vẫn còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật ở New Zealand như cho phép những người không đủ điều kiện sở hữu súng trường bán tự động, loại vũ khí có thể sát thương nhiều người như nghi phạm Tarrant sử dụng.
Theo chuyên gia chống khủng bố Greg Barton từ Đại học Deakin, nhiều câu hỏi được đặt ra về cách Tarrant có thể tiếp cận với một số vũ khí nhất định. Do đó, nhiều người kêu gọi chính phủ thiết lập việc đăng ký và kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn.
Theo hãng truyền thông New Zealand Stuff, nghi phạm Tarrant đã đi khắp thế giới và có những khoảng thời gian ngắn ở New Zealand. Người đàn ông Australia 28 tuổi không phải là cư dân của TP Christchurch và gần đây nhất anh ta sống ở thành phố phía Nam Dunedin và là thành viên của Câu lạc bộ súng trường Bruce ở thị trấn Milton, phía Nam Otago, New Zealand, có sở hữu giấy sử dụng súng loại A từ năm 2017.
Tarrant đã đăng một bản tuyên ngôn trực tuyến trước cuộc tấn công, cho thấy hành động khủng bố có động cơ phân biệt chủng tộc. Kẻ này nói rằng hắn được truyền cảm hứng bởi tên khủng bố người Na Uy, Pars Behring Breivik, người chịu trách nhiệm về cái chết của 77 người vào năm 2011.
Vụ thảm sát ngày 15/3 đã gây sốc cho New Zealand, quốc gia yên bình ở Nam Thái Bình Dương, nơi bạo lực súng đạn tương đối hiếm xảy ra. Số người chết lên tới con số 50, khiến nó trở thành vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất của đất nước kể từ khi một tù nhân nổi loạn năm 1943, giết chết 49 người cùng lúc.
Lỏng lẻo trong luật sở hữu súng
Trái với quy định chặt chẽ ở nước láng giềng Australia, New Zealand không yêu cầu đăng ký sở hữu súng khiến giới chức quản lý không thể nắm được chính xác có bao nhiêu vũ khí hợp pháp cũng như bất hợp pháp ở đất nước này.
Cảnh sát New Zealand ước tính, có tổng cộng khoảng 1,2 triệu khẩu súng đang được sở hữu trên cả nước, đồng nghĩa với việc cứ ba người dân New Zealand có một khẩu súng.
Tỷ lệ này gần gấp đôi so với tại Australia, nơi 24,6 triệu người sở hữu 3,5 triệu khẩu súng.
Thêm vào đó, Luật Sở hữu súng của New Zealand cho phép những người không đủ điều kiện vẫn có thể sở hữu súng trường bán tự động nếu họ trên 18 tuổi và có giấy phép đặc biệt bổ sung từ cảnh sát. Những vũ khí kiểu này phải được đăng ký và có yêu cầu lưu trữ đặc biệt.
Tuy nhiên, những loại súng có thiết kế lắp ráp trên một khối nhựa đúc liền sẽ không bị coi là súng trường bán tự động và người dân chỉ cần có giấy phép loại A để có thể sở hữu loại súng này. Khi hộp tiếp đạn được chế lớn và dài hơn, vũ khí này sẽ không khác gì một khẩu súng trường bán tự động kiểu quân dụng. Một trong những khẩu súng mà đối tượng Tarrant sử dụng trong vụ thảm sát cũng có thiết kế đặc biệt như trên.
Giáo sư Barton cho biết, vũ khí của kẻ xả súng ở TP Christchurch giống với AR-15, khẩu súng trường bán tự động được sử dụng trong một số vụ thảm sát ở Mỹ, bao gồm vụ xả súng hàng loạt ở Las Vegas khiến 58 người thiệt mạng năm 2017.
Do vậy, theo chuyên gia chống khủng bố, thực tế này cho thấy sự khác biệt mà một vũ khí có thể tạo ra và đặt ra thách thức lớn hơn trong việc đối phó với những vũ khí tấn công kiểu này.
New Zealand thậm chí đã “bỏ lỡ cơ hội” để cải cách Luật Quản lý súng đạn hồi tháng 10/2017 khi Bộ trưởng Cảnh sát Paula Bennett từ chối 12/20 khuyến nghị từ một cuộc điều tra của một hội đồng các nhà chức trách về việc sở hữu súng bất hợp pháp. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark bày tỏ tin tưởng rằng, Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ đi đến tận cùng vấn đề này để cho thấy đất nước cần phải ngăn chặn thảm họa xảy ra lần nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận