Cảnh sát Minsk bắt giữ một người biểu tình chống chính phủ hồi cuối năm 2020. Ảnh chụp màn hình Newsweek.
Đóng dấu, gắn mác vàng để phân biệt tù nhân chính trị?
Ngày 5/6, báo Newsweek (Mỹ) có bài viết nêu lên quan ngại và chỉ trích của nhiều nhân chứng, nhà hoạt động về nhân quyền tại Belarus về nghi vấn chính quyền Minsk phân biệt đối xử với tù nhân chính trị và giam giữ họ với điều kiện khắc khổ.
Theo Newsweek, từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Belarus vào tháng 8/2020 mang về chiến thắng lần thứ 6 cho ông Alexander Lukashenko, có khoảng 35.000 người tham gia biểu tình phản đối chính quyền ông Lukashenko, đã bị bắt giữ. Trong đó, có 450 người bị coi là tù nhân chính trị phải chịu mức án từ 6 tháng đến nhiều năm tù giam và bị gắn mác vàng trên áo để phân biệt với các tù nhân khác.
Newsweek dẫn lời Valiantsin Stefanovich, một nhà hoạt động về nhân quyền tại Belarus cho biết, ngoài bắt tù nhân chính trị đeo mác vàng, có một số trường hợp, cảnh sát trại giam và các tù nhân khác còn thực hiện những hành vi nguy hiểm, đóng dấu lên người bị coi là tù nhân chính trị để phân biệt.
Bà Natallia Makavetskaya, mẹ của một tù nhân cho biết rất nhiều người phạm tội liên quan đến chính trị phải chịu những điều kiện giam giữ cực kỳ khổ ải.
Một lần tới thăm con trai trong tù, bà Makavetskaya đã nhìn thấy vết sẹo sâu trên cổ tay con cũng như một tấm mác màu vàng nhỏ được khâu trên áo tù.
Theo lời bà Makavetsky, trong tù, cảnh sát nói luôn con trai bà có tư tưởng cực đoan nên phải đứng tách biệt so với các tù nhân khác. Đồng thời, những tù nhân bị gắn mác vàng tương tự cũng thường xuyên bị lục soát, kiểm tra nhiều hơn.
Uladzislau Makavetsky (con trai bà Makavetskaya) đã bị kết án 2 năm tù vì tội dùng gậy tấn công sĩ quan cảnh sát khi cuộc biểu tình mà Makavetsky tham gia bùng lên thành bạo lực, dẫn đến đụng độ với lực lượng cảnh sát tại thị trấn Vitebsk.
Nhiều "nhà hoạt động vì nhân quyền" khác tại Belarus cũng cho rằng chính quyền Minsk đang ngày càng siết chặt điều kiện giam giữ đối với những người đã tham gia biểu tình chống chính phủ.
Điển hình là trường hợp của tù nhân Vitold Ashurok, một trong những người đầu tiên thu hút sự chú ý của dư luận về tình trạng Belarus giam giữ khắc khổ và buộc tù nhân chính trị gắn mác vàng, đã bị chết trong nhà tù tại Shklov trong khi đang thi hành mức án 5 năm tù vì tội tham gia biểu tình.
Giới chức địa phương khẳng định ông Vitold Ashurok, 50 tuổi, qua đời vì trụy tim. Nhưng khi nhận thi thể của ông Vitold Ashurok, thân nhân ông cho biết họ nhận thấy nhiều vết thâm tím, băng bó trên đầu.
Lực lượng chức năng đã công bố video khẳng định một người đàn ông được cho là Ashurok ôm đầu và ngất trước khi cảnh sát trại giam đi vào nhưng phe đối lập tại Belarus khẳng định video này đã bị dàn dựng.
Chính quyền Minsk chỉ trích người biểu tình là con "tốt" của phương Tây
Nhà báo Belarus Katsiaryna Barysevich từng bị bắt giữ 6 tháng vì điều tra về cái chết của một người biểu tình chống chính phủ. Cô đang chỉ tay cho thấy mác vàng được gắn trên áo trong thời gian ở tù. Ảnh chụp màn hình Newsweek.
Vấn đề biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và chỉ trích điều kiện giam giữ tù nhân chính trị tại Belarus đã được nói đến từ lâu nhưng nay mới rộ lên trên truyền thông quốc tế sau vụ phương Tây tố chính quyền Minsk dùng chiến cơ ép máy bay dân sự Ryanair phải hạ cánh khẩn để bắt nhà hoạt động, blogger Roman Protasevich - nhân vật đối lập trước đó đã đến sống tại Litvia (Lithuania).
Bất chấp cáo buộc của phương Tây, chính quyền Minsk khẳng định họ chỉ điều chiến cơ để hộ tống máy bay Ryanair chở 170 khách hạ cánh khẩn vì bị đe dọa cảnh báo bom.
Sau vụ bắt giữ, nhân vật đối lập Roman Protasevich đã 3 lần được xuất hiện trên truyền hình Belarus để thông báo về tình trạng của mình. Protasevich khẳng định cảnh sát luôn đối xử với anh đúng mực và anh không có vấn đề về sức khỏe.
Trong lần mới nhất, blogger Protasevich đã rơi nước mắt, thú nhận trước đây đã nhiều lần phản đối các quyết sách của Tổng thống Belarus và tổ chức biểu tình chỉ vì thiếu hiểu biết.
Nhưng sau này anh đã thay đổi suy nghĩ. Thậm chí, Protasevich còn ca ngợi ông Lukashenko là người đàn ông mạnh mẽ trước mọi áp lực từ trong và ngoài nước đồng thời bày tỏ lòng kính trọng với ông Lukashenko. Đến cuối chương trình, Protasevich đã ôm mặt khóc, tỏ vẻ ân hận.
Tuy nhiên, cha đẻ của Protasevich cùng nhiều nhà quan sát Belarus ở phương Tây cho rằng đây là không phải là những lời lẽ và cảm xúc thật của blogger 26 tuổi mà e là anh này đã bị ép cung.
Chính quyền Belarus khẳng định đang điều tra kỹ toàn bộ sự việc Ryanair và sẽ công bố chi tiết sự việc trong tháng 6 này.
Lâu nay, chính quyền Belarus không chỉ cực lực bác bỏ mọi cáo buộc chỉ trích điều kiện giam giữ tù nhân mà bản thân Tổng thống Lukashenko nhiều lần tố ngược những người biểu tình thực chất chỉ là “quân tốt” bị các cơ quan tình báo phương Tây điều khiển nhằm gây bất ổn Belarus và tìm cách lật đổ chính quyền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận